|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ phiếu ngân hàng tuần cuối cùng năm Tân Sửu: 25/27 mã tăng giá, gần 1 tỷ cp được trao tay giữa các nhà đầu tư

10:58 | 29/01/2022
Chia sẻ
Trong tuần cuối cùng của năm Tân Sửu, có 25/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá, duy nhất một mã giảm và một mã đứng tham chiếu; gần 1 tỷ cp ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 34.1078 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá

Tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu (24 - 28/1) kết thúc với diễn biến thăng hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, tính chung trong 5 ngày giao dịch, có 25/27 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá, duy nhất một mã giảm và một mã đứng tham chiếu.

Trong đó, cổ phiếu LPB tăng mạnh nhất với mức tăng 15,2%. Cổ phiếu này đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp (25, 26/1) sau khi VNPost công bố việc đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu với mức giá khởi điểm là  28.930 đồng/cp. Kết tuần, cổ phiếu LPB dừng ở mức 25.000 đồng/cp, tức vẫn thấp hơn 13% so với mức giá mong muốn của VNPost.

Bên cạnh đó, một mã khác có mức tăng trên trong tuần là EIB của Eximbank (+12,1). Phiên cuối tuần qua cũng là phiên tăng thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu này. Nếu tính từ ngày 18/1, cổ phiếu EIB đã tăng hơn 20%.

Ngoài hai mã trên, loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng có mức tăng giá tích cực trong tuần phải kể đến như SHB (+9,2%), ABB (+7,9%), VPB (+6,9%), TCB và MBB (+6%),...

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất cổ phiếu VCB của "ông lớn" Vietcombank giảm giá, song cũng chỉ giảm nhẹ 0,2%. 

Cổ phiếu ngân hàng tuần cuối cùng năm Tân Sửu: 25/27 mã tăng giá - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Gần 1 tỷ cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư

Tuần qua có tổng cộng khoảng 990 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt hơn 34.1078 tỷ đồng.

Trong đó, STB sở hữu khối lượng giao dịch cao nhất ngành với gần 151 triệu cổ phiếu. Cùng với đó, hai mã khác có khối lượng giao dịch trên 100 triệu đơn vị là MBB (131,3 triệu cp) và LPB (101,3 triệu cp). Một số mã khác như VPB, CTG, TCB, SHB, ACB,... có khối lượng giao dịch lớn từ 52 đến 84 triệu đơn vị.

Xét về giá trị giao dịch, cổ phiếu STBB cũng đứng đầu với hơn 5.280 tỷ đồng, cách biệt với mức 4.334 tỷ đồng của MBB và 3.858 của TCB sau đó. Ngoài ra, các mã có giá trị trên 2.000 tỷ đồng gồm VPB (2.957 tỷ đồng), CTG (2.913 tỷ đồng), LPB (2.427 tỷ đồng) và TPB (2.121 tỷ đồng).

Cũng trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực gom nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng hơn 442 tỷ đồng cổ phiếu CTG, gần 312 tỷ đồng STB, gần 236 tỷ đồng LPB, gần 206 tỷ đồng TPB,... trong khi đó bán ròng nhiều nhất là gần 34 tỷ đồng VCB.

Đối ngược với động thái trên, khối tự doanh lại bán ròng hơn 75 tỷ đồng VCB, gần 64 tỷ đồng VPB, hơn 55 tỷ đồng MBB, gần 54 tỷ đồng TCB,...

Cổ phiếu ngân hàng tuần cuối cùng năm Tân Sửu: 25/27 mã tăng giá, gần 1 tỷ cp được trao tay giữa các nhà đầu tư - Ảnh 2.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần

Hàng loạt các ngân hàng công bố báo cáo tài chính, gồm có Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, VIB, HDBank, ACB... 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ra thị trường 8.822 tỷ đồng trong tuần qua, thông qua đấu thầu mua giấy tờ có giá với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm. Tính từ đầu năm 2022 tới nay, NHNN đã bơm gần 10.000 tỷ đồng qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.

Nhiều ngân hàng ra thông báo rao bán các căn hộ chung cư cao cấp, dự án bất động sản để thu hồi nợ trước dịp Tết Nguyên Đán.

1,02 tỷ cổ phiếu VCB của Vietcombank được niêm yết bổ sung kể từ ngày 26/1/2022. Tổng số cổ phần VCB niêm yết sẽ tăng từ khoảng 3,71 tỷ lên 4,73 tỷ đơn vị, xếp thứ 3 thị trường chứng khoán Việt Nam, sau hai ngân hàng quốc doanh khác là BIDV (Mã: BID) và VietinBank (Mã: CTG).

VietinBank và Manulife Việt Nam vừa chính thức ra mắt và phát động kinh doanh theo thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm. Theo đó, thỏa thuận đã ký kết và có hiệu lực kể từ ngày 29/12/2021, Manulife Việt Nam chính thức là nhà phân phối độc quyền các giải pháp bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng của VietinBank.

NHNN đề nghị các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam đảm bảo lưu thông tiền tệ thông suốt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt, hoãn chi tiền mặt làm ảnh hưởng đến tình hình lưu thông tiền tệ trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Lê Huy