Nhà đầu tư tháng giáp Tết: Người được thưởng lợi nhuận khủng 50 – 120%, người mất Tết vì đu đỉnh
Trong một tháng giáp Tết, VN-Index giảm 1% còn gần 1.479 điểm kết phiên 28/1. HNX-Index và UPCoM-Index cũng mất lần lượt 9% và 0,6%.
Hai phiên giảm sâu ngày 17/1 và 24/1 khi VN-Index mất lần lượt 2,9% và 2,3% khiến nhà đầu tư hoảng loạn, sợ Tết này không còn tiền mua đào, mai, bánh chưng. Phiên hồi phục cuối năm (28/1) giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện phần nào.
Nhiều cổ phiếu cho quả ngọt trước Tết
Tuy thị trường biến động thất thường với nhiều phiên giảm sâu nhưng toàn sàn vẫn có nhiều cổ phiếu diễn biến tích cực, giúp nhà đầu tư có lãi khủng.
Ở UPCoM, tân binh SZG của Sonadezi Giang Điền nhảy vọt hơn 120% trong một tháng qua, kết phiên 28/1 ở mức giá 36.000 đồng/cp.
Cổ phiếu SZG mới lên UPCoM hôm 27/12/2021 với giá tham chiếu 11.800 đồng/cp, giá liên tục tăng trần nhiều phiên. Ở đỉnh lịch sử trong ngày 11/1, SZG chạm mức 57.000 đồng/cp, cao gấp gần 5 lần giá chào sàn.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 mới công bố, Sonadezi Long Điền ghi nhận lãi ròng 17,7 tỷ đồng trong quý vừa qua, giảm 28% so với cùng kỳ 2020; doanh thu cũng sụt 40% còn 100 tỷ đồng. Lũy kế cả năm ngoái, công ty đạt doanh thu thuần gần 318 tỷ và lãi sau thuế 58 tỷ, giảm lần lượt 16% và 13%.
Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp – Sonadezi (Mã: SNZ) –cổ đông lớn nhất sở hữu 46,5% vốn của Sonadezi Giang Điền – cũng nằm trong top 10 đi lên mạnh mẽ nhất tháng qua với mức tăng 68,5%. Kết phiên 28/1, vốn hóa SNZ dừng ở 22.251 tỷ đồng, tương ứng gần 1 tỷ USD.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý IV vừa qua, Sonadezi ghi nhận doanh thu thuần 1.455 tỷ đồng, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm tới 4,8% nên lợi nhuận gộp có cải thiện.
Ngoài ra, hoạt động tài chính cũng có kết quả khả quan khi doanh thu tăng 88% còn chi phí sụt 78%. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không đi lên đột biến.
Nhờ vậy, lãi sau thuế quý IV của Sonadezi tăng 66% lên hơn 434 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm tăng 18% lên 1.501 tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch đề ra. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đang kiểm soát tới 97,8% vốn của Sonadezi nên lượng cổ phiếu trôi nổi không nhiều.
Một cổ phiếu khác trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng cũng diễn biến khả quan trong tháng qua là L14 của Công ty cổ phần Licogi 14 trên sàn HNX. Kết phiên 28/1, L14 dừng ở 380.000 đồng/cp, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng 47% so với phiên 28/12.
Quý IV vừa qua, Licogi 14 báo cáo doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ 56 tỷ đồng nhưng doannh thu từ hoạt động tài chính lên tới 379 tỷ. Nhờ vậy, lãi sau thuế của công ty tăng vọt lên gần 326 tỷ đồng, cao gấp 31,5 lần quý IV/2020. Lợi nhuận cả năm 2021 đạt 372 tỷ, gấp 10,5 lần năm trước.
Tổng tài sản của Licogi 14 tại ngày cuối năm vượt mốc 1.100 tỷ đồng, gấp 2,3 lần ngày đầu năm. Phần tăng lên chủ yếu đến từ 486 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh mới xuất hiện trong quý III và quý IV.
Giải trình của công ty cho biết Hội đồng quản trị L14 và công ty con là L14 FI đã "phân tích kỹ có chiều sâu quyết định đúng thời cơ, thời điểm để đầu tư một số mã cổ phiếu đạt hiệu quả rất ấn tượng". Báo cáo tài chính của L14 không tiết lộ cụ thể những mã cổ phiếu "ấn tượng" này là mã nào.
Cái tên lớn nhất trong top cổ phiếu tăng mạnh tháng giáp Tết là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID). Kết phiên cuối cùng của năm Tân Sửu, BID dừng ở 47.950 đồng/cp, sát với đỉnh lịch sử 49.000 mới thiết lập ít ngày trước.
Vốn hóa của BIDV hiện nay đạt gần gần 243.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau Vietcombank (Mã: VCB), Vingroup (Mã: VIC) và Vinhomes (Mã: VHM).
Xét về vốn điều lệ, BIDV hiện đang dẫn đầu toàn thị trường với hơn 50.000 tỷ đồng. Hai ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank (Mã: CTG) và Vietcombank (Mã: VCB) đứng ngay phía sau trong top vốn điều lệ.
Ngoài BID, một cổ phiếu nhà băng khác cũng tăng trên 30% trong tháng 1 là NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân. Quý IV vừa qua, NVB báo lỗ sau thuế 163 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất trong lịch sử ngân hàng này. Quý IV năm trước đó, NVB cũng lỗ 20 tỷ đồng.
Những cổ phiếu tăng mạnh trong tháng qua còn có CC1, SGC, BSH, ACC, BAF, ...
Tài khoản bay hơi 30-50% vì mua cổ phiếu "cây thông", nhà đầu tư không có tiền mua đào chơi Tết
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu mang ưu phiền đến cho nhà đầu tư khi suy giảm 30% hay thậm chí 50% trong một tháng trước Tết.
Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC và ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros từng tăng liên tiếp nhiều phiên trong những ngày đầu tháng 1 nhưng rồi trải qua chuỗi giảm sàn sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC vào ngày 10/1 mà không đăng ký trước.
Tính chung giai đoạn từ 28/12 đến 28/1, ROS mất một nửa giá trị còn FLC giảm gần 42%. Nhiều cổ phiếu khác liên quan tới Tập đoàn FLC cũng góp mặt trong top giảm mạnh như AMD của FLC Stone, HAI của Nông dược HAI, hay KLF của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập Khẩu CFS.
Riêng phiên giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu, FLC tăng kịch trần, HAI, ROS và AMD cũng tăng mạnh nên nhà đầu tư nguôi ngoai phần nào.
Nhiều cổ phiếu xây dựng - bất động sản cũng lao dốc thời gian gần đây như DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh hay NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy, ... Các cổ phiếu này đều có chung đặc điểm là giá tăng sốc trong những ngày đầu tháng 1 nhưng rồi cắm đầu lao dốc trong nửa sau, tạo thành hình đỉnh núi hoặc cây thông trên đồ thị giá.
Nhiều cổ phiếu khác cũng khiến nhà đầu tư cháy túi, hết tiền tiêu Tết như VGS của Thép Việt Đức, LAS của Hóa chất Lâm Thao, OGC của Tập đoàn Đại Dương, ...