Khối tự doanh bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng năm 2021, cổ phiếu ngành nào bị xả mạnh nhất?
Khối tự doanh CTCK bán ròng 2.800 tỷ đồng năm 2021 nhưng mua ròng gần 1.900 tỷ đồng cổ phiếu
Năm 2021 đánh dấu một năm đầy khó khăn, thử thách với nền kinh tế Việt Nam nhưng thị trường chứng khoán vẫn trở thành điểm sáng, gặt hái không ít thành công. Bất chấp đại dịch COVID-19, thị trường tăng trưởng mạnh mẽ cả về điểm số, thanh khoản và thu hút số lượng lớn nhà đầu tư tham gia.
Kết phiên 30/12, VN-Index dừng chân ở mốc 1.485,97 điểm, tăng 34,6% so với thời điểm đầu năm. Theo thống kê của người viết, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường trong năm 2021 tại thời điểm 30/12 đạt hơn 26.000 tỷ đồng/phiên, đánh dấu mức cao nhất trong suốt 21 năm vận hành thị trường.
2021 cũng là năm kỷ lục về thu hút nhà đầu tư mới. 11 tháng đầu năm ghi nhận hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.
Thống kê cho thấy giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò quan trọng khi đóng góp tỷ trọng gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường. Trong năm 2021, bộ phận cá nhân trong nước đã mua ròng bền bỉ trong cả 12 tháng, giữ vai trò nòng cốt trong việc đưa VN-Index từng bước chinh phục các đỉnh cao mới.
Trái ngược với sự tích cực từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối tự doanh đã có năm bán ròng kỷ lục với giá trị xả ròng khoảng 2.800 tỷ đồng. Thống kê theo từng tháng, khối tự doanh mua ròng mạnh nhất trong tháng 10 với giá trị 2.800 tỷ đồng và rút ròng mạnh nhất 2.787 tỷ đồng ngay tháng sau đó.
Như vậy sau hai năm mua ròng liên tiếp, bộ phận tự doanh đã bán ròng trở lại trong năm 2021. Tuy nhiên, nếu loại trừ việc bán ròng hơn 4.700 tỷ đồng các chứng chỉ quỹ, ước tính khối tự doanh CTCK mua ròng gần 1.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu.
Dòng tiền từ khối tự doanh chảy mạnh nhất vào ngành ngân hàng (1.879 tỷ đồng), theo sau là bất động sản (1.281 tỷ đồng), bán lẻ (1.100 tỷ đồng), viễn thông cố định (479 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, tự doanh bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ với quy mô 4.733 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ bảy liên tiếp nhóm này bị bán ròng. Giá trị bán ròng còn tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán (846 tỷ đồng), thép (810 tỷ đồng), phân bón hóa chất (384 tỷ đồng),...
Tự doanh chủ yếu bán ròng chứng chỉ quỹ, trong khi gom ròng loạt bluechips
Danh mục Top10 mua ròng của khối tự doanh trong năm 2021 có tới 9/10 mã là cổ phiếu trong rổ VN30. Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu KDH của Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền được khối tự doanh công ty chứng khoán mua bán nhộn nhịp nhất trên thị trường năm vừa qua. Cụ thể, khối này đã gom ròng gần 856,7 tỷ đồng mã KDH, tương ứng với khối lượng gần 22,4 triệu cổ phiếu.
Đại diện cho ngành ngân hàng được gom mạnh nhất năm nay là VPB với giá trị 579,7 tỷ đồng. Đây cũng là á quân góp vào đà tăng điểm của VN-Index trong năm qua với mức ảnh hưởng lên tới 1,83%, chỉ đứng sau MSN với 2,31%.
Trên thị trường đà tăng của VPB đã hạ nhiệt đáng kể sau khi đạt đỉnh tại 40.390 đồng/cp trong phiên 5/7. Dù vâỵ, nếu tính từ đầu năm thị giá cổ phiếu của VPBank đã có nhịp tăng hơn 96%.
Tại nhóm ngân hàng, khối tự doanh còn mua ròng các cổ phiếu như CTG (395,2 tỷ đồng), TCB (384,5 tỷ đồng), ACB (227,1 tỷ đồng) và MBB (217,1 tỷ đồng). Theo tổng hợp, trong năm 2021, khối tự doanh CTCK còn mua ròng hàng loạt bluechip khác như FPT (498,3 tỷ đồng), MWG (436,3 tỷ đồng), PNJ (328,6 tỷ đồng).
Cổ phiếu duy nhất trong Top mua ròng không nằm trong rổ VN30 là VGC với giá trị vào ròng 255,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, CCQ ETF VFMVN Diamond (FUEVFVND) bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 2.966 tỷ đồng. Năm 2020, mã này cũng dẫn đầu Top bán ròng với hơn 4.300 tỷ đồng. Cùng chiều, hai CCQ ETF SSIAM VNFIN Lead (FUESSVFL) và ) ETF VFM VN30 (E1VFVN30) cũng nằm trong danh mục bán ròng với giá trị tương ứng là 1.145,8 tỷ đồng và 558,9 tỷ đồng).
Tại thị trường cổ phiếu, HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị rút ròng mạnh nhất với giá trị 785,7 tỷ đồng. Những ngày cuối năm tiếp tục nối dài chuỗi ngày buồn của cổ đông ngành thép khi nhóm này tiếp tục lao dốc và không ngừng dò đáy ngắn hạn.
Với riêng HPG, mã này từng được xem là "cổ phiếu quốc dân" khi thường xuyên dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên toàn thị trường trong giai đoạn quý II. Tuy nhiên, cú đổ đèo từ mốc cao nhất 58.000 đồng/cp về vùng giá hiện tại quanh 45.700 đồng/cp đã khiến các nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" mất hơn 20% giá trị tài sản.
Bên cạnh đó, danh mục rút vốn của tự doanh còn có sự góp mặt của VND, PAN, IJC, SSI, GVR, HAG với giá trị 184 - 615 tỷ đồng.