Tự doanh bán ròng hơn 730 tỷ đồng trong tháng 12, tâm điểm xả HPG, SSI, VIC
VN-Index tăng 19,84 điểm tương đương 1,34% trong tháng 12 và chốt phiên giao dịch cuối năm ở mốc 1.498,28 điểm. Thanh khoản tháng giảm 13% so với tháng trước đó nhưng vẫn là tháng thanh khoản cao thứ hai trong năm và tăng 22% so với trung bình 5 tháng trước đó.
Tính cả năm 2021, VN-Index tăng 35,73%, đứng thứ 6 trong số các năm tăng điểm mạnh nhất lịch sử. Điểm lại các mốc cao trong quá khứ, chỉ số sàn HOSE tăng mạnh nhất 144,48% năm 2006, 106,83% năm 2000, kế đến là năm 2009 tăng 56,77% và 2017 tăng 48,03%.
Xét về vốn hóa, tỷ trọng giá trị giao dịch trung bình của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 trong tháng 12 giảm xuống 34,49% so với mức 35,51% của tháng 11 và mức trung bình 43,08% tính từ đầu năm. Tương tự, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm vốn hóa nhỏ cũng giảm xuống 16,88% so với mức 17,47% của tháng 11.
Tỷ trọng thanh khoản trung bình của nhóm midcap tăng lên 37,13% so với mức 34,96% của tháng 11 và mức trung bình 32,11% tính từ đầu năm. Trong tháng 12, chỉ số VN30 giảm 0,12% trong khi chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt 7,4% và 4,57%.
Sau khi bán ròng đột biến hơn 2.787 tỷ đồng trong tháng 11, khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) duy trì đà rút vốn trong tháng 12 với quy mô chỉ tương đương 1/3. Hoạt động bán ròng của khối tự doanh diễn ra mạnh nhất vào giữa tháng, đặc biệt trong phiên đáo hạn phái sinh (16/12) nhóm này đã rút ròng gần 670 tỷ đồng.
Lực mua ròng của khối tự doanh góp phần thúc đẩy thị trường tăng điểm mạnh vào cuối tháng với phiên mua ròng mạnh nhất là ngày 28/12 (501 tỷ đồng). Tính chung cả tháng, tự doanh bán ròng 733 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu bluechips bị xả ròng gần 900 tỷ đồng.
Tự doanh tập trung chốt lời cổ phiếu BĐS, trong khi mua ròng nhiều nhất nhóm ngân hàng
Trong đà phục hồi của thị trường, khối tự doanh công ty chứng khoán duy trì bán ròng 987 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Quan sát giao dịch của bộ phận tự doanh, hoạt động giải ngân tương đối dè dặt với chỉ 3/18 ngành được mua ròng.
Cổ phiếu ngân hàng là ngành được mua ròng lớn nhất tháng 12 với giá trị vào ròng đạt 385 tỷ đồng. Chỉ số giá của nhóm cổ phiếu vua đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 3,02%. Tương tự, dòng tiền tự doanh còn tìm đến nhóm bán lẻ (83,7 tỷ đồng) và dầu khí (3,4 tỷ đồng).
Trái chiều, áp lực bán gia tăng khiến cổ phiếu bất động sản soán ngôi thực phẩm & đồ uống trở thành nhóm bị xả nhiều nhất tháng cuối năm với 444 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh có động thái chốt lời tại nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như tài nguyên cơ bản (191 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (135 tỷ đồng).
Hoạt động bán ròng còn được chứng kiến ở nhiều nhóm ngành còn lại như hàng cá nhân & gia dụng, điện, nước & xăng dầu khí đốt, xây dựng & vật liệu.
Tự doanh tập trung mua ròng MSN, trong khi bán ròng loạt loạt bluechips
Thống kê giao dịch cụ thể trong tháng 12, khối tự doanh CTCK tập trung rót vốn vào cổ phiếu MSN với giá trị 201,1 tỷ đồng. Giao dịch chủ yếu thực hiện thông qua kênh thỏa thuận, đặc biệt trong phiên cơ cấu NAV cuối năm (31/12) cổ phiếu của Tập đoàn Masan được tự doanh mua ròng đột biến với hơn 360 tỷ đồng.
Theo thống kê của Algo Platform, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giúp VN-Index tăng 0,44% trong tháng 12, đứng đầu toàn thị trường. Tính đến hết phiên 31/12, Masan có vốn hóa gần 202.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau Vingroup, Vinhomes, Vietcombank và Hòa Phát.
Bên cạnh đó, dòng vốn tự doanh còn tìm đến cổ phiếu BCG của Bamboo Capital với giá trị 137,3 tỷ đồng. Thông tin từ doanh nghiệp, Bamboo Capital đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận chào bán trái phiếu ra công chúng số 327/GCN-UBCK vào ngày 31/12. Đây là lần đầu tiên BCG phát hành trái phiếu ra công chúng.
Cụ thể, BCG sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Tổng số lượng trái phiếu chào bán ra công chúng là 5 triệu trái phiếu, mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu.
Trong tháng, các mã khác được khối này mua vào còn có VPB (135,8 tỷ đồng), DXG (126,7 tỷ đồng), KBC (124,7 tỷ đồng), KOS (110,9 tỷ đồng). Dòng tiền tự doanh còn tìm đến các cổ phiếu SAM, SJS, TCB và OPC với giá trị dưới trăm tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khối tự doanh CTCK chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu HPG với giá trị 233,7 tỷ đồng.
Không riêng bộ phận tự doanh, giao dịch kém sắc của HPG trong giai đoạn cuối năm khiến mã này liên tục lọt Top bán ròng của tổ chức trong nước và NĐT nước ngoài. Trong tháng 12, hai khối này đã bán ròng lần lượt 580,5 tỷ và 1.532,4 tỷ đồng cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát.
SSI là cái tên bị bộ phận tự doanh bán ròng mạnh thứ hai trong tháng 12 với giá trị gần 228 tỷ đồng. Tiếp sau đó, hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VRE bị bán ròng lần lượt 199,5 tỷ và 130,6 tỷ đồng. Danh mục bán ròng còn có sự góp mặt của CRE (130,9 tỷ đồng), FPT (113,5 tỷ đồng), REE (82 tỷ đồng) và PNJ (75,7 tỷ đồng).
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, bộ phận tự doanh bán ròng E1VFVN30 và FUESSVFL với giá trị tương ứng là 127,5 tỷ và 86,7 tỷ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/