Dự báo VN-Index năm 2022 dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm, thị trường sẽ 'nhạy cảm' hơn
Cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng đầu năm, nhóm bất động sản khuấy đảo cuối năm
Năm 2021, VN-Index kết thúc ở mức 1.498 điểm tương ứng tăng 36% trong năm qua nhờ vào làn sóng tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân (chiếm 85% thanh khoản).
Số tài khoản mở mới trong 11 tháng cao hơn 1,6 lần so với giai đoạn 2018-2020, riêng trong tháng 11, con số này đạt 220.000 tài khoản cũng là mức cao nhất trong lịch sử.
Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), luân chuyển dòng tiền là xu thế chủ đạo. Cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường trong nửa đầu năm trong khi cổ phiếu bất động sản khuấy động chỉ số trong ba tháng cuối năm 2021, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu nhỏ tăng trưởng mạnh.
Diễn biến chỉ số VN-Index năm 2021
Đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng chủ yếu được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực, nhiều ngân hàng như Techcombank, MB, Sacombank có mức tăng trưởng lợi nhuận trên 50%. Nhóm tài nguyên cơ bản cũng tăng trưởng mạnh nhờ giá thép tăng (HPG, NKG,...) nhưng bắt đầu hạ nhiệt khi giá thép đảo chiều từ tháng 10.
Nửa cuối năm, cổ phiếu bất động sản thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng tăng tốc giải ngân đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng từ năm 2022. Ngoài ra, phiên đấu giá kỷ lục tại khu vực Thủ Thiêm (Quận 2) trong tháng 12 giúp các cổ phiếu bất động sản lên đỉnh cao mới.
VN-Index sẽ dao động từ 1.340 – 1.730 điểm trong năm 2022
Các chuyên gia của VDSC cho rằng mặt bằng lãi suất thấp và mức sinh lời cao của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư cá nhân trong năm 2022, ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới.
"Chúng tôi hy vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ để đạt được 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2025", báo cáo việt.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên, tăng 36% so với năm trước.
VDSC dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.340 – 1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS 17% năm 2022 của danh mục cổ phiếu mà công ty lựa chọn (đại diện 41% vốn hóa thị trường) và mức PE dự phóng 2022 là 16,4 lần.
Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ "nhạy cảm" hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện COVID-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).
Nhóm phân tích cũng chỉ ra những thông tin có thể xem là tiêu cực tới thị trường gồm lạm phát, sự xuất hiện các biến chủng mới và biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ.
Những yếu tố này sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế, đồng thời gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.