|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021: Nỗ lực lớn từ BSR, FLC, ROS, HAG, …

20:51 | 01/01/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng nóng trong năm 2021, đã có 359 cổ phiếu vượt qua mệnh giá. Số cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng cũng nhiều hơn đáng kể.

Cổ phiếu ồ ạt vượt mệnh giá

Năm 2021, VN-Index tăng trưởng gần 36%, tưởng là cao nhưng thực ra chỉ là "em út" khi so với các chỉ số khác: VN30 thêm 43%, UPCoM-Index đi lên 51% và HNX-Index nhảy vọt 133%.

Thị trường thăng hoa trên diện rộng đã giúp nhiều cổ phiếu vượt qua ngưỡng mệnh giá 10.000 đồng/cp. Theo thống kê dựa trên số liệu của Chứng khoán SSI, tại ngày cuối năm 2020 có 675 mã đóng cửa dưới mệnh giá, chiếm 40,6% tổng số mã trên thị trường.

Một năm sau, vào ngày 31/12/2021, số cổ phiếu có giá thấp hơn 10.000 đồng chỉ còn 316, tức chưa đầy 20% toàn thị trường. Số cổ phiếu có giá trong khoảng 10.000 – 50.000, 50.000 – 100.000 hay trên 100.000 đồng đều tăng đáng kể, cả về số lượng lẫn tỷ trọng, so với 31/12/2020.

Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021: Nỗ lực lớn từ BSR, FLC, ROS, HAG, … - Ảnh 1.

 

Cổ phiếu lớn nhất vượt mệnh thành công là BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Từ mức 9.910 đồng/cp, sau một năm, BSR đã vươn lên 23.100 đồng/cp. Vốn hóa tại ngày 31/12 vừa qua đạt hơn 71.600 tỷ đồng, tương đương 3,1 tỷ USD.

Giá dầu tăng mạnh từ hố sâu đại dịch vào tháng 3/2020 đã hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu BSR.

Nếu như trong 9 tháng đầu năm 2020, Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ ròng hơn 4.000 tỷ thì sang 9 tháng đầu 2021, công ty đã lãi ròng hơn 4.000 tỷ.

Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021: Nỗ lực lớn từ BSR, FLC, ROS, HAG, … - Ảnh 2.

Giá dầu Brent kết năm 2021 ở gần 78 USD/thùng, tăng hơn 50% so với cuối 2020.

Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xăng dầu phục hồi khi hoạt động đi lại tại Việt Nam tăng trở lại sau đợt dịch COVID-19 thứ 4. Bên cạnh đó, biên xăng/dầu diesel đang trên đà trở lại mức trước đại dịch.

VCSC cũng dự báo lợi nhuận công ty trong quý IV sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ ba yếu tố. Thứ nhất, sản lượng bán phục hồi 36% so với quý trước khi các hạn chế phòng dịch COVID-19 được gỡ bỏ. Thứ hai, lãi hàng tồn kho tăng nhờ số dư tồn kho lên tới gần 17.700 tỷ đồng vào cuối quý III/2021. Và thứ ba, biên xăng dầu cao hơn.

Lợi nhuận ròng (sau lợi ích của cổ đông thiểu số) cả năm 2021 được kỳ vọng đạt 5.300 tỷ đồng, trái ngược với số lỗ gần 2.900 tỷ của năm trước.

Nhiều cổ phiếu trong ngành xây dựng – bất động sản đồng loạt tăng ấn tượng và vượt mệnh giá trong năm qua như FLC, ROS, ITA, SCR, QCG, …

Hơn 300 cổ phiếu vượt mệnh giá trong năm 2021: Nỗ lực lớn từ BSR, FLC, ROS, HAG, … - Ảnh 3.

Giá cuối năm 2020 là giá đóng cửa thực tế, chưa điều chỉnh cho cổ tức và phát hành thêm trong năm 2021.

Cổ phiếu Tập đoàn FLC kết năm 2021 ở mức giá 18.000 đồng/cp, tăng 296% so với một năm trước và đang ở vùng giá cao nhất kể từ đầu năm 2012 trở lại đây. Vốn hóa thị trường của FLC hiện nay đạt gần 13.000 tỷ đồng.

Chỉ riêng đà tăng phi mã của FLC đã giúp tài sản chứng khoán của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu ROS của FLC Faros thậm chí còn có thành tích ấn tượng hơn khi vọt lên tới 438% so với đầu năm, kết phiên 31/12 ở 13.600 đồng/cp.

Mức giá của ROS hiện nay tương đương với giai đoạn đầu năm 2020 nhưng còn cách khá xa so với đỉnh 178.000 đồng/cp hồi tháng 11/2017.

Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) của bầu Đức chìm sâu dưới mệnh giá trong 10 tháng đầu năm nhưng bất ngờ bứt phá trong tháng 11 và 12. Chỉ riêng trong hai tháng vừa qua, HAG đã tăng tới 158%, kết năm 2021 ở mức giá 13.300 đồng/cp.

Bà Đoàn Hoàng Anh - con gái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức mua 4 triệu cổ phiếu HAG trong tháng 8 và gom tiếp 4 triệu đơn vị HAG trong những ngày cuối tháng 9. Nhờ hoàn tất mua vào khi mỗi cổ phiếu HAG có giá chỉ khoảng 5.000 đồng/cp, bà Đoàn Hoàng Anh đã có lợi nhuận khoảng 64 tỷ đồng trong vài tháng qua.

Giá nhiều cổ phiếu vượt ngưỡng 100.000 đồng

Trong số các cổ phiếu kết năm 2021 ở mức giá trên 100.000 đồng/cp, có nhiều bluechip quen thuộc, từ lâu đã nổi tiếng là "đắt xắt ra miếng" như VJC của Vietjet, DHG của Dược Hậu Giang, SAB của Sabeco, ...

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) trong năm vừa qua đã trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50%, tức là giá bị điều chỉnh giảm đi 33% nhưng kết phiên 31/12/2021, MWG vẫn có giá trên 100.000 đồng/cp.

THD của Thaiholdings nổi lên là cổ phiếu có giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam khi kết năm 2021 ở mức 277.000 đồng/cp. Mới đây, Hội đồng quản trị Thaiholdings đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Thaispace với mục tiêu là thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ từ đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nhiều doanh nghiệp mới gia nhập "câu lạc bộ 100k" trong năm 2021 phải kể đến CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) - đối thủ của Thế Giới Di Động trong mảng bán lẻ hàng điện tử, Tập đoàn Masan (Mã: MSN), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Mã: MCH), DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ...

Giá cuối năm 2020 là giá đóng cửa thực tế, chưa điều chỉnh cho cổ tức và phát hành thêm trong năm 2021. 

Một số cổ phiếu mới lên sàn trong năm 2021 cũng kết phiên 31/12 ở mức giá "6 chữ số" như IDP của CTCP Sữa Quốc Tế, ACG của CTCP Gỗ An Cường và SSH của CTCP Sunshine Homes.

Song Ngọc