|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Top cổ phiếu nâng đỡ thị trường 2021 gọi tên MSN, VPB, HPG, THD, BSR, …

08:09 | 01/01/2022
Chia sẻ
Các chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021 nhờ sự đóng góp của một số cổ phiếu lớn như MSN, HPG, THD, CEO, BSR, …
Top cổ phiếu nâng đỡ thị trường 2021 gọi tên MSN, VPB, HPG, THD, BSR, … - Ảnh 1.

Nhiều khách đến mua hàng tại siêu thị VinMart của Masan trong thời gian giãn cách xã hội 2021. (Ảnh: Song Ngọc).

Nếu so sánh về tỷ lệ % tăng giá, cổ phiếu vô địch thị trường chứng khoán năm vừa qua là TGG ở sàn HOSE với mức tăng 1.481%, CMS ở sàn HNX với tỷ lệ tăng 950%, và ATA ở thị trường UPCoM khi vọt lên 1.333%.

Tuy nhiên, để có thể tác động đáng kể tới các chỉ số chính, cổ phiếu cần phải có vốn hóa khổng lồ, nằm ngoài tầm với của những mã kể trên.

Theo thống kê của Algo Platform, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giúp VN-Index tăng 2,3% trong năm qua, đứng đầu toàn thị trường.

Đà tăng của MSN được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 2.983 tỷ đồng, tăng trưởng 268% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu cũng tăng 16,5% lên kỷ lục 64.800 tỷ đồng nhờ nhu cầu với hàng tiêu dùng tăng cao trong thời kỳ giãn cách xã hội, các siêu thị VinMart được hoạt động trong khi chợ truyền thống phải đóng cửa.

Tính đến hết phiên 31/12, Masan có vốn hóa gần 202.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ sau Vingroup, Vinhomes, Vietcombank và Hòa Phát.

VPB của VPBank giúp VN-Index có thêm 1,9% trong năm qua. Bản thân cổ phiếu này cũng tăng trưởng ấn tượng 98%, tất cả đều đến từ nửa đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, VPB cùng với đa số cổ phiếu ngân hàng khác chỉ lình xình đi ngang, không còn hừng hực khí thế phá đỉnh liên tục như nửa đầu.

Top cổ phiếu nâng đỡ thị trường 2021 gọi tên MSN, VPB, HPG, THD, BSR, … - Ảnh 2.

Số liệu cập nhật đến hết phiên 31/12/2021. Mức tăng của SSB là so với ngày lên sàn 24/3, của các mã khác là so với cuối năm 2020.

HPG của Hòa Phát liên tiếp lập các kỷ lục mới trong khoảng 5 tháng đầu 2021. Sau khi chốt quyền cổ tức bằng tiền mặt 5% và bằng cổ phiếu 35% vào ngày 1/6, HPG có một số phiên tăng trần mạnh mẽ nhưng sau đó giảm sâu.

Đến ngày 28/10, HPG một lần nữa lên đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp nhưng rồi trượt dài xuống 45.000 đồng/cp khi giá thép thế giới lao dốc. Đã có lúc, vốn hóa của Hòa Phát thua kém Masan và tụt xuống vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.

Mặc dù vậy, nhà đầu tư mua HPG vào ngày cuối năm 2020 và kiên trì nắm giữ đến cuối 2021 vẫn có lãi 51%. HPG cũng đóng góp 1,7% vào đà tăng của VN-Index trong năm qua.

Trong 9 tháng đầu năm, tập đoàn thép của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu lần đầu vượt 100.000 tỷ đồng, lãi sau thuế cao kỷ lục 27.100 tỷ đồng, tăng lần lượt hươn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận ba quý đã vượt 45% mục tiêu cả năm.

Nhóm ngân hàng góp mặt đông đảo trong top 15 mã tác động tích cực nhất VN-Index trong năm qua. Ngoài VPB như đã kể ở trên còn có TCB của Techcombank, MBB của Ngân hàng Quân Đội, CTG của VietinBank, TPB của TPBank, … 

Tân binh SSB của SeABank lên sàn ngày 24/3 nhưng cũng kịp nhảy vọt 171%, vốn hóa tăng thêm hàng tỷ USD và giúp VN-Index tăng 0,7%.

Trong khi nhóm ngân hàng vượt trội trong nửa đầu năm thì cổ phiếu bất động sản lại thể hiện bản lĩnh trong 6 tháng cuối để góp mặt trong top nâng đỡ VN-Index.

NVL của Novaland bứt tốc gần 150% trong năm qua và là mã có vốn hóa tăng trưởng mạnh nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 2021. VHM của Vinhomes chỉ tăng khiêm tốn 19% nhưng nhờ có vốn hóa khổng lồ nên vẫn giúp VN-Index tăng tới 1,3%.

Nhóm bán lẻ có duy nhất một đại diện là MWG của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động. Trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, khoảng 2.000 cửa hàng điện tử-điện máy của MWG đã phải ngừng hoạt động nhưng chuỗi Bách Hóa Xanh vẫn được mở cửa, tạo doanh thu cho toàn công ty.

MWG cũng liên tục khai trương các chuỗi mới kinh doanh sản phẩm Apple, xe đạp, đồ thể thao, trang sức, quần áo … với hy vọng đa dạng hóa hoạt động và tận dụng tiềm năng tăng trưởng của các thị trường khác nhau.

Top cổ phiếu nâng đỡ thị trường 2021 gọi tên MSN, VPB, HPG, THD, BSR, … - Ảnh 4.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ở Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Quán quân tăng giá trong top 15 tác động tích cực tới VN-Index thuộc về DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng với mức tăng 349%.

Ở chiều ngược lại, VNM của Vinamilk và BID của BIDV là những cổ phiếu khiến chỉ số thiệt hại nặng nề nhất.

Ở sàn HNX, cổ phiếu THD của Thaiholdings tỏ ra vượt trội với vốn hóa gần 97.000 tỷ, cao gấp hơn 4 lần cái tên đứng sau là KSF của KSFinance. THD tăng 141% trong năm qua và chỉ riêng cổ phiếu bất động sản này đã giúp HNX-Index tăng 22,67%.

Top cổ phiếu nâng đỡ thị trường 2021 gọi tên MSN, VPB, HPG, THD, BSR, … - Ảnh 5.

Cổ phiếu có tác động tích cực thứ 2 là CEO – một đại diện khác của nhóm địa ốc. Mặc dù làm ăn thua lỗ liên miên, CEO vẫn tăng trưởng thần tốc trong hai tháng cuối năm và giúp chỉ số sàn HNX tăng 6% trong 2021.

Tổng cộng, HNX-Index vọt lên 133,4% trong 12 tháng qua, vượt xa mức tăng 35,7% của VN-Index và 51,3% của UPCoM-Index.

Ở thị trường UPCoM, cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 134% nhờ giá dầu thế giới hồi phục, qua đó đóng góp 3,8% vào đà đi lên của chỉ số. Những cổ phiếu tác động tích cực tiếp theo là MVN, PGV, VEF, …

Song Ngọc

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.