|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Masan lập đỉnh mới, vượt Hòa Phát về vốn hóa

06:31 | 24/12/2021
Chia sẻ
Trong khi cổ phiếu MSN của Masan liên tục tăng giá lên kỷ lục mới thì HPG của Hòa Phát lại cắm đầu giảm sâu, hiện ngang với đáy ngắn hạn hồi giữa tháng 7.

Kết phiên 23/12, VN-Index giảm 1,4% còn gần 1.457 điểm, chỉ số bluechip VN30 giảm sâu hơn với tỷ lệ 1,78% còn 1.477 điểm. 

Một trong số ít cổ phiếu giữ được sắc xanh là MSN của Tập đoàn Masan. Đóng cửa, MSN tăng 0,59% lên đỉnh giá mới 171.000 đồng/cp. Đây cũng là phiên đi lên thứ 4 liên tiếp của MSN.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm phiên thứ 3 liên tục và dừng ở 44.950 đồng/cp. Đây là mức giá thấp nhất của HPG kể từ ngày 19/7 trở lại đây.

Phiên 22/12, vốn hóa của Hòa Phát vẫn còn cao hơn Masan khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng đến hết ngày 23/12, Masan đã vượt Hòa Phát khoảng 800 tỷ.

Masan lập đỉnh mới, vượt Hòa Phát về vốn hóa - Ảnh 1.

Khoảng cách về vốn hóa giữa MSN và HPG là rất mong manh, chỉ cần một phiên biến động nhỏ cũng có thể thay đổi thứ hạng giữa hai cổ phiếu này. Mặc dù vậy, xu hướng biến động giá của hai bluechip là rất khác nhau.

Tính từ đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp thiết lập hôm 28/10, HPG đã giảm 22,5%. Trong khi đó, MSN đang ở mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay và tăng khoảng 22% trong hai tháng qua.

Masan lập đỉnh mới, vượt Hòa Phát về vốn hóa - Ảnh 2.

Vốn hóa Masan vượt Hòa Phát vào ngày 23/12/2021.

Cổ phiếu MSN lên đỉnh trong bối cảnh công ty con của Tập đoàn Masan là The CrownX liên tục huy động vốn khủng từ nhà đầu tư ngoại.

Ngày 11/11, Masan và SK Group (Hàn Quốc) đã công bố ký kết thỏa thuận mua bán cổ phần của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 345 triệu USD.

Ngày 13/12, Masan ký kết giao dịch với nhóm nhà đầu tư gồm TPG, Platinum Orchid và SeaTown Master Fund về khoản rót vốn 350 triệu USD vào The CrownX. Tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX sau giao dịch này là 81,4%.

Kể từ khi thành lập vào đầu năm 2020 đến nay, The CrownX đã thu hút hơn 1,5 tỷ USD từ nhiều nhà đầu tư quốc tế. Định giá của The CrownX hiện đạt 8,2 tỷ USD, gần bằng vốn hóa của công ty mẹ Tập đoàn Masan.

Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất huy động vốn tại The CrownX và sẽ tập trung tăng tốc mở rộng nền tảng Point of Life tích hợp offline và online trên toàn quốc. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024 ...".

Theo thống kê của tạp chí Forbes, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang hiện có tài sản ròng 2,2 tỷ USD, trong khi Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long có 3 tỷ USD.

Triển vọng nào cho Hòa Phát?

HPG và nhiều cổ phiếu ngành thép khác như HSG của Hoa Sen và NKG của Nam Kim suy giảm mạnh trong khoảng hai tháng gần đây. Giá thép xây dựng trên thị trường Thượng Hải liên tục đi xuống trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12 nhưng đã hồi phục một phần trong tuần qua, hiện giao dịch ở khoảng 4.700 nhân dân tệ/tấn.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá quặng sắt trung bình quý IV ước tính giảm 37% so với quý III, từ 163 xuống 103 USD/tấn. Nguyên nhân chính là nhu cầu thép tại Trung Quốc yếu khiến nhu cầu quặng sắt sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, giá than luyện cốc lên cao kể từ tháng 9 và giá trung bình quý IV có thể tăng 36,6% so với quý trước lên 326 USD/tấn. Do đó, VDSC ước tính chi phí sản xuất phôi thép quý IV của Hòa Phát dự kiến sẽ tăng nhẹ 1% so với quý III.

Biên lợi nhuận gộp của mảng thép xây dựng có thể duy trì ổn định, trong khi khả năng sinh lời của mảng HRC có thể giảm do giá bán giảm trong quý IV. Giá thép cây và thép cuộn tăng từ khoảng 16.400 đồng/kg trong quý III lên mức đỉnh 17.000 đồng/kg vào tháng 10, sau đó giảm 3,5%. 

VDSC ước tính giá bán thép xây dựng quý IV tăng 1-2% so với quý trước, tương đồng với mức tăng của chi phí sản xuất. Trong khi đó, giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) giảm khoảng 5,7%. Do đó, biên lợi nhuận gộp mảng HRC ước tính sẽ giảm từ khoảng 42,6% trong quý III xuống 38,4% trong quý IV.

Lợi nhuận của Hòa Phát có thể duy trì ở mức cao trong quý IV do sản lượng bán ra tăng. Trong tháng 11 vừa qua, Hòa Phát đã tiêu thụ 765.000 tấn thép các loại, cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 21% so với tháng 10.

Lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận tổng sản lượng bán hàng thép các loại đạt 8 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ.

Tiêu thụ thép xây dựng 11 tháng là 3,5 triệu tấn, tăng 15%, trong đó riêng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt 914.000 tấn, tăng 90%. Hòa Phát dự kiến xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm cả năm 2021 sẽ vượt 1 triệu tấn, gấp đôi cùng kỳ và đóng góp gần 30% tổng bán hàng.

Masan lập đỉnh mới, vượt Hòa Phát về vốn hóa - Ảnh 4.

VDSC cho biết Hòa Phát đang giải phóng mặt bằng tại dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2022. Tổng thời gian xây dựng khoảng 30 tháng, vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng. 

Nhà máy bao gồm hai lò cao với tổng công suất 5,6 triệu tấn, bao gồm 4,6 triệu tấn HRC và 1 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao. Hai lò cao trên dự kiến đi vào hoạt động lần lượt vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024.

VDSC đánh giá triển vọng của Hòa Phát tương đối khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 62.900 đồng/cp trong 12 tháng tới.

Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dự báo lợi nhuận thuần của Hòa Phát trong quý IV đạt 9.847 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận cả năm 2021 ước tính 36.897 tỷ, tăng trưởng 174%.

Dựa theo dự báo hiện tại, cổ phiếu HPG đang giao dịch với P/E dự phóng 2022 là 6,2 lần, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trong quá khứ là 8,5 lần. Vì vậy, HSC cũng khuyến nghị mua HPG với giá mục tiêu 73.900 đồng/cp.

Đức Quyền - Song Ngọc