|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kỳ vọng chứng khoán vượt đỉnh trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2022

14:15 | 02/01/2022
Chia sẻ
Giới phân tích từ các công ty chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 (từ 4 – 7/1)
Kỳ vọng chứng khoán vượt đỉnh trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại năm 2021 với mức tăng mạnh, đặc biệt VN-Index chỉ còn cách mốc đỉnh lịch sử hơn 1 điểm. Diễn biến thị trường cho thấy, tâm lý của nhà đầu tư đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua dòng tiền dồi dào và giá trị giao dịch khớp lệnh trong phiên liên tục giữ ở mức cao trong khoảng thời gian khá dài. 

Do đó, giới phân tích từ các công ty chứng khoán đặt nhiều kỳ vọng VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 (từ 4 – 7/1)

Tín hiệu tích cực

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS), về kỹ thuật, VN-Index vẫn đóng cửa dưới vùng kháng cự 1.500-1.510. Tuy nhiên, việc nến đóng cửa tuần đã chốt tại ngưỡng cao nhất lịch sử cho tín hiệu tích cực để kỳ vọng chỉ số sẽ vượt đỉnh trong những tuần đầu năm mới.

MACD (trung bình động hội tụ phân kỳ), RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) cho thấy xu hướng đang mạnh dần lên trong khi chỉ số đo dòng tiền (MFI) lại cho thấy dòng tiền vẫn còn đang do dự cho một cú bứt phá dứt khoát.

Cũng trên góc nhìn kỹ thuật, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được củng cố và khả năng để VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 là có thể diễn ra.

Theo SHS, thanh khoản trong tuần qua suy giảm so với tuần trước đó và xấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 28.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Tuy nhiên, phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng. Đáng chú ý cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 4,1% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: VCB tăng 0,4%, TCB tăng 2,2%, MBB tăng 2,7%, CTG tăng 3%, SHB tăng 3,7%, VPB và ACB tăng 4,5%, BID tăng 6%... đã “gánh vác” thị trường trong tuần qua.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức tăng 2% giá trị vốn hóa, nhờ các cổ phiếu như BSR tăng 0,4%, OIL tăng 0,6%, PLX tăng 1,7%, PVC tăng 2,4%, PVD tăng 2,6%, PVS tăng 3%, PVB tăng 4,8%...

Ngành dịch vụ tiêu dùng tăng 1,7% vốn hóa. Các cổ phiếu như: MWG tăng 1%, DGW tăng 2%, FRT tăng 6,5%...  Ngành công nghiệp tăng 1,6%, tài chính tăng 1,3%, tiện ích cộng đồng tăng 0,9%, hàng tiêu dùng tăng 0,4%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa, tiếp theo ngành công nghệ thông tin giảm 1,1% và dược phẩm y tế giảm 1%.

Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 21,9% xuống 124.742 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 17,3% xuống 4.222 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 17% xuống 16.504 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 14,3% xuống 591 triệu cổ phiếu.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), VN-Index tăng mạnh so với tuần trước, đồng thời khép lại năm 2021 gần sát ngưỡng 1.500 điểm.

Cụ thể, lực cầu gia tăng nhanh chóng trong phiên thứ hai và thứ ba đầu tuần (27 - 28/12) đã khiến VN - Index bật tăng khá mạnh dù vẫn chưa vượt qua mốc 1.500 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán chốt lời gia tăng trở lại trong phiên thứ tư (29/12) đã khiến chỉ số điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn nằm trong vùng 1.480 - 1.500 điểm. Xu hướng này được duy trì cho tới khi kết thúc phiên ngày thứ năm (30/12). Lực cầu sau đó gia tăng mạnh mẽ trong phiên ngày thứ sáu (31/12), giúp VN-Index ghi nhận mức tăng khá mạnh và tiến sát mốc 1.500.

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021, VN-Index đạt mức 1.498,28, trong khi HNX Index dừng lại tại mức 473,99; lần lượt tăng 1,44% và tăng 6,37% so với tuần trước đó.

Như vậy, chỉ số VN-Index đã kết thúc năm 2021 với mức tăng 35,73% so với thời điểm cuối năm 2020, còn HNX - Index ghi nhận mức tăng 133,35%.

VCBS cho rằng, tâm lý của nhà đầu tư đang ở trạng thái khá hưng phấn, thể hiện qua dòng tiền dồi dào và giá trị giao dịch khớp lệnh trong phiên liên tục giữ ở mức cao trong một giai đoạn khá dài.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ vẫn thu hút sự chú ý của dòng tiền nhiều hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, việc các chỉ báo kỹ thuật của hầu hết cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã hoặc sắp vượt ngưỡng quá mua có thể sẽ khiến cho áp lực chốt lời ngắn hạn trên thị trường gia tăng trong những phiên tới.

“Chúng tôi vẫn khá lạc quan về triển vọng thị trường trong những tháng đầu năm 2022, tuy nhiên chúng tôi cho rằng VN-Index có thể sẽ ghi nhận một số phiên điều chỉnh giảm để kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.480 điểm trước khi quay trở lại xu hướng tăng giá”, VCBS nhận định.

Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại vùng đỉnh trong bối cảnh các thị trường chứng khoán cũng đồng loạt đi lên trong tuần qua.

Chứng khoán thế giới tăng điểm

Cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, nhưng vẫn khép lại tuần, quý và cả năm qua trong vùng tăng, bất chấp tình hình đại dịch COVID-19.

Khép lại phiên cuối tuần (31/12), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 36.338,30 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 4.766,18 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,6% xuống 15.644,97 điểm.

Các chỉ số chính trên phố Wall kết thúc phiên cuối cùng của năm 2021 trong sắc đỏ, vì nhiều nhà đầu tư chốt lời/lỗ cho năm giao dịch vừa qua, nhưng chỉ số S&P 500 và Dow Jones vẫn chỉ thấp hơn 1% so với các mức cao kỷ lục.  Các chỉ số này cũng ghi nhận mức tăng theo năm cao nhất kể từ năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 1,1% và chỉ số S&P 500 tăng 0,9%, nhưng chỉ số Nasdaq giảm nhẹ khoảng 0,1%. Trong tháng 12/2021, cả ba chỉ số này ghi nhận các mức tăng lần lượt 5,4%, 4,4% và 0,7%.

Trong quý IV/2021, chỉ số Dow Jones tăng 7,4%, chỉ số S&P 500 ghi thêm 10,7%, còn chỉ số Nasdaq tăng 8,3%. Nhìn lại cả năm 2021, chỉ số S&P 500 tăng mạnh nhất, với mức tăng 26,9%, vượt xa cả hai chỉ số Nasdaq và Dow Jones với các mức tăng lần lượt 21,4% và 18,7%.

Ông Matthew Bartolini, chuyên gia cấp cao của công ty tư vấn đầu tư State Street Global Advisors (Mỹ) nhận định, sự khởi sắc mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2021 là nhờ sự tăng trưởng trong lợi nhuận doanh nghiệp; trong đó, chỉ số S&P 500 đã ghi nhận năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng phần trăm ở mức hai con số.

Biến thể Omicron đã dẫn đến kỷ lục về số ca mắc COVID-19 mới trên toàn thế giới, nhưng thị trường vẫn lạc quan vì nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng của biến thể Omicron đến sức khỏe con người sẽ nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.

Các nhà phân tích cho biết, lo lắng về biến thể Omicron đã giảm bớt, nhưng tốc độ lây lan của nó đang khiến tâm lý thị trường hoang mang. Thị trường đang thể hiện một số khả năng phục hồi với kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đẩy nhanh lộ trình thắt chặt tiền tệ và áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn.

Tại châu Á, chốt phiên cuối cùng năm 2021, tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,5% lên 3.638,24 điểm, còn chỉ số Hang Seng tăng 1,2% lên 23.397,67 điểm.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Thái Lan đóng cửa nghỉ lễ.

Văn Giáp