|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu BĐS, tìm đến nhóm ngân hàng trong tháng 2, 5 cổ phiếu 'vua' lọt Top10 mua ròng

08:14 | 02/03/2022
Chia sẻ
Trong tháng 2, tương quan số phiên mua - bán ròng của khối tự doanh cân bằng với 8-8 phiên. Tuy nhiên, cán cân giao dịch nghiêng về phe bán với giá trị xả ròng ghi nhận hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng nhẹ 60 tỷ đồng.

VN-Index tăng 11,17 điểm tương đương 0,76% trong tháng 2, chốt tháng ở mức 1490,13 điểm. Trong tháng, chỉ số chính sàn HOSE giảm xuống mức thấp nhất 1.472 điểm vào ngày 14/2 do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine.

Tính chung trong tháng, GTGD trung bình phiên trên cả 3 sàn (chỉ tính khớp lệnh) đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, giảm 15,2% so với tháng 1 nhưng vẫn cao hơn 5,4% so với GTGD trung bình phiên trong năm 2021. Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tiếp tục sụt giảm, thấp hơn 28,2% so với tháng 1/2022 và chạm mức thấp nhất trong vòng 10 tháng gần đây.

Ngoài yếu tố mùa vụ liên quan đến kỳ nghỉ Tết kéo dài hết tuần đầu của tháng 2, tâm lý do dự của nhà đầu tư khi thị trường thiếu vắng ngành dẫn dắt cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản trong tháng 2.

Theo quan sát, dòng tiền luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành trong tháng qua, chỉ vài ngày thay vì vài tuần như giai đoạn trước đây. Ngoài ra, hoạt động đầu cơ đã bị thu hẹp đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động trong biên độ hẹp

Đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của VN-Index là HPG, theo sau là MSN, SAB, GVR và VJC. Chiều ngược lại, VIC là mã có tác động tiêu cực nhất tới chỉ số, ghi nhận mức giảm 15,4% kể từ đầu tháng 2.

Liên quan đến giao dịch của khối tự doanh công ty chứng khoán, tương quan số phiên mua - bán ròng cân bằng với 8-8 phiên. Tuy nhiên, cán cân giao dịch nghiêng về phe bán với giá trị xả ròng ghi nhận hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng nhẹ 60 tỷ đồng.

Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu BĐS, tìm đến nhóm ngân hàng trong tháng 2, 5 cổ phiếu 'vua' lọt Top10 mua ròng - Ảnh 1.

Giá trị giao dịch của khối tự doanh trong tháng 2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm hút tiền, đà bán ròng tiếp tục dâng cao ở nhóm địa ốc

Theo thống kê từ Fiinpro, hoạt động chốt lời của khối tự doanh diễn ra ở nhiều nhóm ngành. Đứng đầu danh mục bán ròng tiếp tục là cổ phiếu địa ốc với giá trị gần 471 tỷ đồng, quy mô rút vốn gấp 2,4 lần tháng đầu năm.

Cùng chiều, tận dụng đà tăng nối tiếp của chỉ số, khối tự doanh công ty chứng khoán xả ròng 223 tỷ đồng nhóm thực phẩm & đồ uống qua kênh khớp lệnh. Đây là nhóm cổ phiếu kỳ vọng được hưởng lợi nhờ cầu hồi phục.

Tương tự, nhóm dịch vụ tài chính cũng bị rút ròng trên trăm tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm chứng chỉ quỹ và các cổ phiếu chứng khoán, họ tập trung bán ròng thay vì gom ròng gàn 250 tỷ đồng tháng trước đó. Ngoài ra, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi một số nhóm ngành như bán lẻ, bảo hiểm, du lịch & giải trí,... với giá trị thấp hơn.

Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu BĐS, tìm đến nhóm ngân hàng trong tháng 2, 5 cổ phiếu 'vua' lọt Top10 mua ròng - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành trong 3 tháng gần đây. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, khối tự doanh tập trung rót tiền vào nhóm cổ phiếu của các nhà băng với hơn 593 tỷ đồng. Có thể tấyh, cổ phiếu vua tiếp tục nằm trong danh mục ưu tiên xuống tiền của tự doanh với quy mô giải ngân gấp 2,1 lần tháng đầu năm.

Điểm đáng ghi nhận là nhóm ngân hàng, vốn là ngành có vốn hóa cao nhất thị trường có tỷ trọng giao dịch duy trì ở mức cao, mặc dù chỉ số giá ngành giảm nhẹ 2,8% so với đầu tháng.

Ngoài ra, khối tự doanh còn xuống tiền gom cổ phiếu nhóm hàng cá nhân & gia dụng (92,7 tỷ đồng), thép (85,6 tỷ đồng), dầu khí (34,2 tỷ đồng), công nghệ thông tin (33,1 tỷ đồng) hay hàng & dịch vụ công nghiệp (32,5 tỷ đồng),...

Tự doanh gom ròng nhiều nhất TCB trong khi xả mạnh ccq FUEVFVND

Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu BĐS, tìm đến nhóm ngân hàng trong tháng 2, 5 cổ phiếu 'vua' lọt Top10 mua ròng - Ảnh 3.

TCB đứng đầu danh sách mua ròng tháng 2 của khối tự doanh. (Ảnh: Thu Thảo).

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu TCB của Techcombank giữ vị trí quán quân về giá trị mua ròng trong tháng qua với 314,5 tỷ đồng.

Theo công bố của Brand Finance, Techcombank là ngân hàng tư nhân Việt Nam duy nhất lọt Top 200 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu với mức định giá gần 1 tỷ USD.

Nhóm phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ước tính tăng trưởng tín dụng của Techcombank đạt khoảng 25% trong năm 2022 với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như CAR ở mức cao (15%), thanh khoản dồi dào và tỷ lệ đòn bẩy ở mức thấp.

Trở lại với giao dịch của tự doanh, đứng vị trí thứ hai trong danh mục Top10 mua ròng là chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Bên cạnh TCB, khối tự doanh cũng gom ròng loạt cổ phiếu vua như ACB (79,4 tỷ đồng), OCB (60,7 tỷ đồng), TPB (39,6 tỷ đồng) và CTG (32,3 tỷ đồng).

Dòng vốn tự doanh cũng tìm đến các đại diện của nhóm bất động sản, dầu khí, thép, xây dựng như CII, PLX, HPG, CTD với giá trị vào ròng từ 32 - 52 tỷ đồng.

Tự doanh chưa ngừng xả cổ phiếu BĐS, tìm đến nhóm ngân hàng trong tháng 2, 5 cổ phiếu 'vua' lọt Top10 mua ròng - Ảnh 4.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tháng 2. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều bán ra, giao dịch rút vốn tập trung ở chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 451,8 tỷ đồng. Tại giao dịch cổ phiếu, hoạt động rút vốn tập trung ở nhiều bluechips như MSN (159,4 tỷ đồng), VHM (115,9 tỷ đồng), MWG (101,1 tỷ đồng), VIC (100,4 tỷ đồng), VRE (63,5 tỷ đồng), KDH (43,4 tỷ đồng) và VCB (37,1 tỷ đồng).

Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi hai cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là DXG và AGM với giá trị lần lượt là 64,8 tỷ và 33 tỷ đồng.

Thu Thảo