Tự doanh CTCK bán ròng gần 800 tỷ đồng tuần đáo hạn phái sinh, tập trung xả VND, HPG
Sau 3 tuần tăng điểm liên tục, VN-Index đã có tuần giảm điểm đầu tiên với mức giảm 21,02 điểm (1,43%), chốt tuần tại 1.452,35 điểm. Trong tuần ngưỡng 1.480 là thử thách quan trọng của chỉ số trên con đường hướng đến 1.500, VN-Index đã có 2 phiên kiểm tra ngưỡng trên vào ngày 15 và 18/11 nhưng không thành công.
Phiên cuối tuần chỉ số đã chịu áp lực chốt lãi mạnh, có lúc VN-Index đã chạm 1.434 nhưng cuối phiên đã hồi phục khá tốt về trên 1.450. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index với đại diện GEX, DGC, TCH, VND và DGW.
Bên chiều giảm điểm, HPG trong tuần bốc hơi hơn 12% thị giá, kéo chỉ số chính giảm 7,7 điểm, tiếp theo là GAS với mức giảm 10,2% ảnh hưởng giảm 6 điểm đến chỉ số.
Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với giá trị 1.192 tỷ đồng trong tuần. Trong đó, SSI và HPG là hai cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 692 tỷ đồng và 633 tỷ đồng. Bên phía mua ròng, FUEVFVND của ETF VNDiamond được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với giá trị 553 tỷ đồng.
Theo đà rút vốn của khối ngoại, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 3/5 phiên tuần 15 - 19/11, đặc biệt phiên đáo hạn phái sinh (18/11) khối này rút ròng tới 873 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, khối tự doanh xả ròng 782 tỷ đồng.
Tâm điểm bán ròng cổ phiếu chứng khoán, thép
Theo thống kê từ Fiinpro, nếu tính riêng giao dich khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 442 tỷ đồng.
Diễn biến theo nhóm cổ phiếu, ngành dịch vụ tài chính chịu áp lực bán mạnh nhất của khối tự doanh với giá trị rút ròng gần 300 tỷ đồng. Như vậy, có sự thay đổi vị thế giao dịch của bộ phận tự doanh ở ngành này khi tuần trước đó họ vẫn gom ròng nhẹ gần 14 tỷ đồng.
Việc chuyển hướng chốt lời diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu chứng khoán vươn lên dẫn dắt và là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số tuần qua. Bên cạnh đó, hoạt động rút vốn trong giao dịch chứng chỉ quỹ cũng đẩy giá trị bán ròng nhóm này tăng mạnh.
Tương tự, khối tự doanh công ty chứng khoán tập trung xả ròng cổ phiếu tài nguyên cơ bản và thực phẩm đồ uống với giá trị lần lượt là 179,1 tỷ và 118,4 tỷ đồng. Ngoài 3 ngành kể trên, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi một số nhóm khác như bất động sản, điện, nước, xăng dầu & khí đốt, bán lẻ, du lịch & giải trí,... với giá trị thấp hơn.
Chiều ngược lại, khối tự doanh tập trung rót tiền vào cổ phiếu của các nhà băng với quy mô 109 tỷ đồng, tương đương tuần trước. Ngoài ra, dòng tiền tự doanh cũng chuyển hướng gom ròng 55,7 tỷ đồng cổ phiếu xây dựng & vật liệu sau tuần bán ròng nhẹ trước đó.
Tự doanh rút ròng trên trăm tỷ đồng chứng chỉ quỹ FUEVFVND, VND, HPG
Thống kê giao dịch cụ thể trong tuần qua, khối tự doanh CTCK chủ yếu bán ròng chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 386,3 tỷ đồng. Theo sau là hai cổ phiếu VND và HPG với giá trị rút ròng lần lượt là 215,8 tỷ đồng và 162,9 tỷ đồng.
Liên quan đến cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát, tuần qua thị giá HPG đã lao dốc hơn 12% và trở thành tâm điểm thảo luận trên các diễn đàn chứng khoán. Nếu như giai đoạn trước đó, HPG từng được nhiều người gọi là "cổ phiếu quốc dân" khi ai mua vào cũng có lãi thì giờ đây niềm tin của phần lớn nhà đầu tư cũng theo đó mà hạ nhiệt, thậm chí thất vọng do liên tục phải gồng lỗ.
Là một cổ phiếu vốn hóa lớn được các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ (margin) với tỷ lệ cao như HPG một khi danh mục rơi vào tình trạng call margin thì sẽ trở thành áp lực rất lớn cho nhà đầu tư nắm giữ.
Đối với cổ phiếu VND, VNDirect vừa thông báo chốt danh danh cổ đông để chuẩn bị đại hội bất thường bàn việc tăng vốn khủng. Công ty dự kiến chào bán gần 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 100%.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành. Nếu được thông qua và hoàn tất phát hành toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng gấp đôi, từ 4.349 tỷ đồng lên gần 8.698 tỷ đồng.
Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu như SSI (78,5 tỷ đồng), GAS (57,4 tỷ đồng), HAG (56,6 tỷ đồng) và VHM (35,3 tỷ đồng), VNM (31,3 tỷ đồng).
Không riêng VNDirect, vừa qua Chứng khoán SSI cũng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ của công ty theo hình thức chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, Chứng khoán SSI sẽ phát hành tối đa gần 497,4 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 2:1) để tăng quy mô vốn với giá phát hành là 15.000 đồng/cp. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này là 14.921 tỷ đồng, tiếp tục là công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn nhất thị trường.
Bên cạnh đó, bộ phận tự doanh còn thoái vốn khỏi hai mã MSN (23,8 tỷ đồng) và PTB (19,8 tỷ đồng).
Giao dịch tại chiều mua của khối tự doanh tuần qua không có nhiều điểm nhấn do không mã nào được gom ròng trên trăm tỷ đồng. Hoạt động giải ngân khá phân tán chứ không tập trung vào một vài nhóm ngành cụ thể. Danh mục mua ròng có sự góp mặt của nhiều ngành khác nhau, từ bất động sản, bán lẻ, ngân hàng, xây dựng, sản xuất thực phẩm,...
Thống kê cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera - dẫn đầu về giá trị mua ròng với 32,2 tỷ đồng. Thị giá mã này có nhịp tăng gần 9% trong tuần qua, đóng cửa phiên thứ Sáu tại 51.900 đồng/cp. Kế đến, tự doanh gom ròng 68,2 tỷ đồng cổ phiếu FPT. Một cổ phiếu bán lẻ khác là PNJ cũng cũng được khối này rót ròng 37,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, hoạt động mua ròng còn xuất hiện ở một số cổ phiếu ngân hàng như ACB, HDB, VPB. Danh mục rót vốn tuần này của khối tự doanh cũng có sự góp mặt của CTD, REE, PAN, VIC.