Phiên 19/11: Khối ngoại chốt lời trăm tỷ đồng cổ phiếu thép, ngân hàng trong phiên đỏ lửa
Trái với tâm lý hân hoan trong thời gian gần đây, phiên 19/11 nhuốm màu bi quan khi áp lực bán tháo xuất hiện ở một số nhóm ngành tăng nóng giai đoạn vừa qua.
Theo quan sát, VN-Index rơi tự do sau 13h45 trước áp lực chốt lời của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, song song đó nhóm vốn hóa lớn cũng không thể giúp thị trường thoát khỏi cảnh giảm sâu. Chỉ số chính có thời điểm mất hơn 36 điểm. Tuy nhiên lực cầu đối ứng nhanh chóng xuất hiện và giúp VN-Index chỉ còn giảm hơn 17 điểm khi đóng cửa.
Kết phiên, VN-Index giảm 17,48 điểm (1,19%) xuống 1.452,35 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (3,15%) còn 453,97 điểm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,25%) còn 113,24 điểm.
Thanh khoản vọt lên mức cao nhất trong lịch sử với giá trị giao dịch đạt 56.338 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Thanh khoản sàn HOSE cũng đánh dấu kỷ lục mới với hơn 44.800 tỷ đồng, tức gần 2 tỷ USD.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh quy mô bán ròng lên mức 805 tỷ đồng, tăng gần 70% so với phiên đáo hạn phái sinh trước đó. Về khối lượng, nhóm này rút ròng hơn 20,8 triệu đơn vị, tập trung ở cổ phiếu thép, ngân hàng.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là mã bị xả ròng nhiều nhất lên tới 283 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với phiên liền trước. Đáng chú ý, nhóm quỹ Dragon Capital đã có động thái mua gom tổng cộng 2,2 triệu cổ phiếu HPG kể từ 11/11 đến 18/11 khi giá cổ phiếu bước vào nhịp chỉnh mạnh.
Theo sau, khối ngoại có động thái chốt lời một số cổ phiếu của các nhà băng trong phiên dẫn dắt thị trường. Nhóm này bán ròng lần lượt VPB (179 tỷ đồng), HDB (51,5 tỷ đồng), TPB (38,9 tỷ đồng).
Diễn biến tương tự, một số cổ phiếu ghi nhận lực xả ròng nhẹ hơn lần lượt còn có VNM (106 tỷ đồng), HSG (54,8 tỷ đồng), VND (51 tỷ đồng), MSN (48,6 tỷ đồng)...
Trở lại chiều mua, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) duy trì thu hút hơn 104 tỷ đồng lực cầu, tương đương so với phiên liền trước. Đây cũng là đại diện duy nhất của nhóm cổ phiếu ngân hàng nằm trong top10 mã được mua ròng nhiều nhất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng tập trung mua gom 74,5 tỷ đồng cổ phiếu VRE và 59,6 tỷ đồng mã GAS. Nối tiếp, lực cầu nhẹ hơn cũng xuất hiện ở một số mã như DGW, MSH, DCM, GMD, NKG, DHC...
Tại sàn HNX, xu hướng bán ròng được kéo dài khi nhà đầu tư ngoại tiếp tục rút ròng gần 6 tỷ đồng, tương đương khối lượng 715.949 đơn vị cổ phiếu.
Cụ thể, giao dịch rút ròng vẫn tập trung ở cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O với giá trị hơn 12,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, bất chấp diễn biến tiêu cực của nhóm bất động sản, cổ phiếu này vẫn tăng 9,38% so với mức tham chiếu.
Khối ngoại cũng chốt lời mạnh hai mã HUT (4,7 tỷ đồng) và PVS (2,3 tỷ đồng), trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi các cổ phiếu INN, IVS, VTV, API...
Tại chiều mua, dòng tiền ngoại tập trung mua gom cổ phiếu PVI (4,9 tỷ đồng) và THD (3,2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các mã được mua ròng nhẹ hơn còn có APS (1,5 tỷ đồng), SHS (1,4 tỷ đồng), BAX (1 tỷ đồng)...
Giao dịch tại thị trường UPCoM có phần tích cực hơn khi nhà đầu tư ngoại duy trì mua gom hơn 31,7 tỷ đồng, tương đương 681.050 đơn vị cổ phiếu.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi bất ngờ trở lại thu hút hơn 33,5 tỷ đồng vốn ngoại. Bên cạnh đó, NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên vẫn thu hút hơn 9,7 tỷ đồng, theo sau bởi VGT (2,4 tỷ đồng), CLX (2,1 tỷ đồng), ACV (1,8 tỷ đồng), KLB (1 tỷ đồng)...
Quay lại chiều bán, nhóm này đẩy mạnh rút ròng 16,5 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA, tăng gấp 7 lần so với phiên trước đó. Theo sau, cổ phiếu chịu áp lực bán ròng nhẹ hơn còn có BSR (2,7 tỷ đồng). Nhóm này cũng rút ròng với quy mô dưới 1 tỷ đồng khỏi các mã PGB, SD1, VNH, VGI...