|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (19/11): Áp lực chốt lời trên diện rộng, VN-Index giảm hơn 17 điểm với thanh khoản lên cao kỷ lục

14:00 | 19/11/2021
Chia sẻ
VN-Index rơi tự do sau 13h45 trước áp lực chốt lời của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, song song đó nhóm vốn hóa lớn cũng không thể giúp thị trường thoát khỏi cảnh giảm sâu. Chỉ số chính có thời điểm mất hơn 36 điểm.

Kết phiên, VN-Index giảm 17,48 điểm (1,19%) xuống 1.452,35 điểm, HNX-Index giảm 14,75 điểm (3,15%) còn 453,97 điểm, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,25%) còn 113,24 điểm.

Thị trường chứng khoán (19/11): Áp lực chốt lời trên diện rộng, VN-Index giảm hơn 17 điểm với thanh khoản lên cao kỷ lục - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 19/11. (Nguồn: VNDirect).

Hôm nay lại là một phiên giao dịch đầy cảm xúc đối với các nhà đầu tư, nhưng trái với tâm lý hân hoan trong thời gian gần đây, trạng thái giao dịch nhuốm màu bi quan khi áp lực bán tháo xuất hiện ở một số nhóm ngành tăng nóng giai đoạn vừa qua.

Theo quan sát, VN-Index rơi tự do sau 13h45 trước áp lực chốt lời của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, song song đó nhóm vốn hóa lớn cũng không thể giúp thị trường thoát khỏi cảnh giảm sâu. Chỉ số chính có thời điểm mất hơn 36 điểm. Tuy nhiên lực cầu đối ứng nhanh chóng xuất hiện và giúp VN-Index chỉ còn giảm hơn 17 điểm khi đóng cửa.

Diễn biến theo nhóm ngành, nhóm dầu khí tác động tiêu cực nhất liên chỉ số trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang lao dốc từ vùng đỉnh. Trong đó, trụ GAS giảm sát mốc sàn còn 106.000 đồng/cp, PVD giảm kịch sàn về 28.500 đồng/cp, các mã còn lại điều chỉnh 4,4 - 5,4%.

Bất chấp áp lực điều chỉnh từ thị trường chung, 25/28 cổ phiếu ngân hàng kết phiên trong sắc xanh, duy nhất BID đóng cửa giảm nhẹ 0,2%. Trong đó các mã tăng mạnh phải kể đến như BVB tăng 6,7%, SGB (+5,9%), PGB (+4,7%), BAB (+4,5%), KLB (+4,3%), EIB (+3,7%),...

Thanh khoản vọt lên mức cao nhất trong lịch sử với giá trị giao dịch đạt gần 56.338,3 tỷ đồng, tương đương hơn 2,1 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Thanh khoản sàn HOSE cũng đánh dấu kỷ lục mới với hơn 44.800 tỷ đồng, khoảng gần 1,98 tỷ USD.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 8,71 điểm (0,59%) còn 1.461,12 điểm, VN30-Index tăng 4,44 điểm (0,3%) lên 1.507,86 điểm.

VN-Index có thời điểm giảm hơn 10 điểm dưới áp lực bán chốt lời mạnh mẽ của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Cổ phiếu bluechips đang nỗ lực gồng đỡ để thị trường không giảm quá sâu. Hiện VN30-Index vẫn giữ được sắc xanh tuy nhiên sắc đỏ đang chiếm ưu thế với 15 mã giảm, so với 13 mã xanh và 2 mã đứng giá tham chiếu. 

Sắc đỏ trùm lên thị trường chung, duy nhất nhóm ngân hàng vẫn giữ được sắc xanh. Nhiều cổ phiếu midcap và smallcap liên tục nháy sàn trước áp lực xả từ nhà đầu tư.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 4,07 điểm (0,28%) lên 1.473 điểm, HNX-Index tăng 2,96 điểm (0,63%) lên 471,69 điểm, UPCoM-Index tăng 0,98 điểm (0,86%) lên 114,5 điểm.

Thị trường chứng khoán (19/11): HDB tăng trần, nhóm ngân hàng giúp VN-Index hồi mạnh sau nhịp rung lắc - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 19/11. (Nguồn: VNDirect).

VN-Index bất ngờ đổ dốc sau khi vượt đỉnh tại 1.480 điểm. Trong đó, áp lực bán chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hóa lớn trở thành trụ đỡ cứng cho thị trường phiên sáng nay.

Theo quan sát, lực cầu đối ứng xuất hiện ngay sau đó giúp VNMidcap kết phiên sáng tăng hơn 9 điểm, VNSmallcap chỉ còn giảm 3 điểm. Điều này cho thấy sức hút của thị trường khi vượt đỉnh khiến nhà đầu tư chốt lời xong lại tìm kiếm cơ hội để mua vào.

Tại rổ VN30, sắc xanh chiếm ưu thế với 17 mã tăng, 12 mã giảm và 1 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, HDB kết phiên trong sắc tím trần, ACB tăng 2,8%, CTG tăng 2,8%, TCB tăng 2,7%, VPB tăng 2,7%,... Ở chiều giảm, trụ GAS mất 2,7% thị giá. Đây cũng là mã tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên sáng nay. Kế đó, HPG và GVR cùng giảm 1,8%,...

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường trong nhịp rung lắc mạnh, qua đó đẩy giá trị giao dịch trên HOSE phiên sáng nay đạt gần 23.900 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với phiên trước.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 7,93 điểm(0,54%) lên 1.477,76 điểm, VN30-Index tăng 14,83 điểm (0,99%) lên 1.518,25 điểm.

Cú trở mình của nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường giúp VN-Index thẳng tiến vượt mốc 1.480 điểm. 28/28 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trong sắc xanh. Nổi bật có HDB tăng kịch trần lên 30.200 đồng/cp, theo sau là BVB tăng 6,7%, VAB (+4,5%), MSB (+5,3%),...

Tính đến 9h45, VN-Index tăng 1,93 điểm (0,13%) lên 1.471,76 điểm, HNX-Index tăng 3,1 điểm (0,66%) lên 471,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,43% lên 114,01 điểm.

Thị trường chứng khoán tăng hơn 5 điểm khi mở cửa tuy nhiên lực cung giá cao lại lần nữa khiến các chỉ số thu hẹp đà tăng.

Tại nhóm vốn hóa lớn, các trụ đang nỗ lực hồi phục sau phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 11 hôm qua. VN30-Index hiện tăng hơn 3 điểm, tuy nhiên các trụ lớn gồm GAS, VIC và HPG vẫn là ba lực cản lớn nhất của thị trường.

Theo quan sát, cổ phiếu họ dầu khí là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index. Trong đó, BSR giảm sâu nhất với tỷ lệ mất giá là 3,4%, sau đó là PVD (-2,3%), GAS (-2,1%), OIL (-1,7%),...

Tương tự, cổ phiếu ngành thép cũng duy trì xu hướng điều chỉnh với toàn bộ các mã giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu. HPG có thời điểm rơi khỏi mốc 49.000 đồng/cp.

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và chứng khoán thay nhau gồng đỡ chỉ số.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 18/11 diễn biến giằng co sau khi một số doanh nghiệp lớn như Cisco, Nvidia, Kohl's và Macy's công bố kết quả kinh doanh.

Chỉ số S&P 500 tăng 0,34% và Nasdaq Composite tăng 0,45%. Ngược lại, Dow Jones, mất 60 điểm, tương đương 0,17%, một phần do cổ phiếu Cisco lao dốc. Trong phiên, có lúc S&P 500 sụt 0,3% rồi sau đó hồi phục và đóng cửa trong sắc xanh.

Thu Thảo

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.