|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VNDirect chuẩn bị đại hội bất thường bàn việc tăng vốn khủng

08:59 | 17/11/2021
Chia sẻ
Đại hội đồng cổ đông sẽ thực hiện thông qua 3 phương án: phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP.

Ngày 3/11 vừa qua, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) đã chốt danh sách cổ đông tham dự cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2021. Thời gian họp dự kiến vào ngày 6/12 tới đây.

Theo chương trình họp, HĐQT VNDirect sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua các phương án chào bán, phát hành cổ phiếu của công ty.

Cụ thể, VNDirect dự kiến chào bán gần 435 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ phát hành 100%. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành.

Cổ đông hiện hữu có quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác trong thời gian quy định và chỉ được chuyển nhượng 1 lần. Thời gian thực hiện từ cuối 2021 đến năm 2022 sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Số cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Đối với lượng cổ phần không chào bán hết, HĐQT sẽ quyết định việc chào bán số cổ phiếu cho nhà đầu tư/cổ đông khác với giá cao hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền. Tỷ lệ chào bán thành công tối thiếu ít nhất là 50%.

Nếu được thông qua và hoàn tất phát hành toàn bộ số cổ phiếu trên, vốn điều lệ của VNDirect sẽ tăng gấp đôi, từ 4.349 tỷ đồng lên gần 8.698 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ (40%), hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá (20%), hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán (20%) và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm (20%).

Bên cạnh đó, HĐQT cũng đề xuất phương án phát hành gần 348 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 80%.

HĐQT có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ này nếu nguồn vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm thực hiện cho phép phát hành với tỷ lệ cao hơn. Thời gian thực hiện là cuối năm 2021 và/hoặc trong năm 2022 sau khi có chấp thuận của UBCK.

Ngoài ra, Đại hội cũng xem xét thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Số lượng dự kiến chào bán bằng 2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ.

Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2023 sau khi được UBCK chấp thuận. VNDirect sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định số đợt phát hành và số lượng cổ phiếu phát hành cụ thể trong từng đợt.

Trước đó trong tháng 6 và tháng 7, công ty chứng khoán này đã hoàn tất đợt phát hành 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn điều lệ gấp đôi lên mức 4.349 tỷ đồng như hiện nay. Giá chào bán cho cổ đông hiện hữu là 14.500 đồng/cp. Số cổ phần còn lại được phân phối cho cổ đông khác với giá 18.500 đồng/cp.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VNDirect là CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A - công ty riêng của vợ chồng Chủ tịch Phạm Minh Hương đang nắm giữ 56,1 triệu cổ phiếu (tương đương 26,19% vốn). Một cổ đông tổ chức khác là PYN Elite Fund (Non - Ucits) đang sở hữu gần 9 triệu cổ phiếu (4,71% vốn).

Thông tin liên quan, ngày 11/11, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã ra thông báo thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tối đa của mã chứng khoán VND từ 49% lên 100%.

Trên thị trường, kết phiên 16/11, cổ phiếu VND đã điều chỉnh giảm 1% xuống mức 69.500 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn dao động ở vùng đỉnh lịch sử. Thị giá cổ phiếu này đã tăng gấp 3,6 lần so với thời điểm đầu năm 2021.

VNDirect chuẩn bị họp ĐHĐCĐ bất thường thông qua các phương án tăng vốn khủng - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu VND trên thị trường. (Ảnh: TradingView).

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.