|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Thị trường vẫn còn khả năng tăng điểm, cảnh báo 'quá nóng' do NĐT cá nhân hưng phấn

06:30 | 17/11/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia của VinaCapital, tâm lý hưng phấn và việc tăng mạnh giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân có thể làm thị trường quá nóng ở một số thời điểm, dẫn đến những biến động trong ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thăng hoa khi VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm và liên tục đi tìm những ngưỡng đỉnh lịch sử mới. Trong tháng 10, chỉ số tăng 7,6%, đóng cửa ở 1.444,3 điểm. Sự kỳ vọng của giới đầu tư vào việc mở cửa lại nền kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội và kỳ vọng vào một gói kích thích kinh tế đã đẩy VN-Index lên ngưỡng cao mới.

Một yếu tố khác đó là kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp tương đối khả quan, thậm chí cao hơn nhiều so với dự báo của từng ngành. Trong báo báo được VinaCapital công bố mới đây cho thấy tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng 20% trong quý III và 49% trong 9 tháng đầu năm. 

"Tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3 thấp hơn hẳn so với quý I và quý II, tuy nhiên mức tăng 20% vẫn được xem là khả quan khi xét đến những ảnh hưởng của dịch COVID-19", báo cáo phân tích của VinaCapital nêu.

VinaCapital: Thị trường vẫn còn khả năng tăng điểm, cảnh báo 'quá nóng' do NĐT cá nhân hưng phấn - Ảnh 1.

Diễn biến của VN-Index. Nguồn: TradingView.

Về định giá trị trường, vào cuối tháng 10/2021, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 16,8 lần và 13,7 lần cho năm 2021 và 2022. Tăng trưởng EPS năm 2022 được dự báo đạt 23%, theo số liệu của Bloomberg. Với kết quả kinh doanh tích cực và diễn biến thị trường như hiện tại, VinaCapital cho rằng đây là mức định giá hợp lý và kỳ vọng thị trường vẫn còn khả năng tăng điểm.

Cơ sở cho sự kỳ vọng trên nhờ vào kinh tế phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết và tâm lý tích cực từ kế hoạch kích thích kinh tế. 

Tuy nhiên chuyên gia của VinaCapital lưu ý tâm lý hưng phấn và việc tăng mạnh giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân có thể làm thị trường quá nóng ở một số thời điểm, dẫn đến những biến động trong ngắn hạn.

Trở lại thông tin vĩ mô, sau 4 tháng với nhiều biện pháp giãn cách xã hội trên cả nước, các hoạt động kinh tế đã được tái lập từ đầu tháng 10. Chỉ còn một số ít lĩnh vực bị hạn chế như du lịch, quán bar, rạp chiếu phim và những sự kiện tập trung đông người. 

Số liệu kinh tế tháng 10 tốt hơn các tháng trước, dù vẫn còn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị bán lẻ và Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 18,1% và 6,9% so với tháng 9, nhưng vẫn thấp hơn 19,5% và 1,6% so với tháng 10/2020. 

Đáng chú ý là chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 52,1 vào cuối tháng 10, chấm dứt 4 tháng liên tiếp ở dưới mức 50, là mức cho thấy sản xuất bị suy giảm.

Hoàng Linh