|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VinaCapital: Kinh tế hồi phục là động lực tích cực cho chứng khoán, không lo ngại nợ xấu khi doanh nghiệp có dòng tiền trở lại

07:30 | 19/10/2021
Chia sẻ
Nhận định từ VinaCapital, "chúng tôi tin rằng đáy của nền kinh tế đã qua, và kỳ vọng có sự phục hồi mạnh vào quý IV/2021 và năm 2022. Sự phục hồi kinh tế sẽ là động lực tích cực cho thị trường chứng khoán".

Trong báo cáo được công bố mới đây, VinaCapital đưa ra góc nhìn tương đối lạc quan về nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Theo góc nhìn từ chuyên gia của quỹ ngoại này, vào đầu tháng 10, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã nới lỏng quy định về giãn cách xã hội. Các nhà máy không còn bị bắt buộc áp dụng “3 tại chỗ”, các cửa hàng bán lẻ đã được phép mở cửa lại. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vắc xin tiếp tục được đẩy mạnh.

"Chúng tôi tin rằng đáy của nền kinh tế đã qua, và kỳ vọng có sự phục hồi mạnh vào quý 4/2021 và năm 2022. Sự phục hồi kinh tế sẽ là động lực tích cực cho thị trường chứng khoán", báo cáo phân tích của VinaCapital nêu.

Nhận định về triển vọng của một số doanh nghiệp, các cửa hàng điện thoại và điện máy của Thế giới Di động đã mở cửa lại từ ngày 1/10, do đó VinaCapital kỳ vọng doanh thu của nhà bán lẻ này sẽ phục hồi mạnh trong quý IV. 

Về Hòa Phát, sản lượng bán thép vẫn tích cực trong giai đoạn giãn cách xã hội. Công ty bán được 2 triệu tấn thép trong quý III, tăng 9% so với cùng kỳ, đưa sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm lên 6,3 triệu tấn, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. 

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng không tăng nhiều trong tháng 9 do lo ngại về nợ xấu trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoạt động trở lại và tạo ra dòng tiền, rủi ro về nợ xấu sẽ không còn đáng lo ngại, chuyên gia VinaCapital đánh giá.

VinaCapital: Kinh tế hồi phục là động lực tích cực cho chứng khoán, không lo ngại nợ xấu khi doanh nghiệp có dòng tiền trở lại - Ảnh 1.

Chuyên gia VinaCapital cho rằng khi các doanh nghiệp trong nền kinh tế hoạt động trở lại và tạo ra dòng tiền, rủi ro về nợ xấu sẽ không còn đáng lo ngại. Ảnh: Hoàng Linh.

Đánh giá của VinaCapital về triển vọng vĩ mô của Việt Nam, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 được thể hiện rõ trong số liệu kinh tế quý III. GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, còn khu vực dịch vụ giảm 9,28%. 

Tăng trưởng âm trong quý III đã kéo tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm xuống còn 1,42%. Tính riêng tháng 9, sản xuất công nghiệp và bán lẻ giảm 5,5% và 28,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 5,0% và 6,5% so với tháng trước, cho thấy nền kinh tế bắt đầu phục hồi do một số vùng trong cả nước đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh.

Hoàng Linh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.