|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán và BĐS vẫn tích cực, nhóm thép và dầu khí sa sút vì đâu?

06:35 | 20/11/2021
Chia sẻ
Một số phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán tác động tích cực tới VN-Index trong tuần qua như BID, BCM, SSI và VND, trong khi cổ phiếu thép và dầu khí sa sút do giá các loại hàng hóa này đi xuống.
Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 1.

BIDV chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch tăng vốn điều lệ. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Thị trường chứng khoán kết phiên 19/11 trong sắc đỏ, VN30 giữ được mốc 1.500 điểm nhưng giảm 0,22% so với tham chiếu, VN-Index mất 1,19%, HNX-Index và UPCoM-Index cũng mất tương ứng 3,15% và 0,25%.

Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 21 điểm, tương đương 1,43%. Chỉ số sàn HNX và thị trường UPCoM vẫn cao hơn so với đầu tuần do các phiên trước đó giao dịch tích cực.

Bất động sản, chứng khoán hỗ trợ VN-Index

Cổ phiếu tích cực nâng đỡ VN-Index nhất là GEX của Tập đoàn Gelex. Trong tuần qua, GEX đi lên 4/5 phiên, trong đó có hai phiên kịch trần, tổng mức tăng so với cuối tuần trước là 26%.

Vốn hóa của Gelex hiện nay đạt 39.800 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 tỷ USD. Tập đoàn Gelex (tên cũ là Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam) nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện nhưng cũng sở hữu một số bất động sản ở Hà Nội như Gelex Tower (số 52 Lê Đại Hành), Khách sạn Melia (44B Lý Thường Kiệt) và Khách sạn Bình Minh (số 10 Trần Nguyên Hãn).

Sau khi Gelex nhận sáp nhập Tổng Công ty Viglacera – một doanh nghiệp lớn về khu công nghiệp và vật liệu xây dựng, mảng bất động sản càng đóng vai trò quan trọng hơn trong kết quả kinh doanh của tập đoàn.

Nhiều cổ phiếu bất động sản – xây dựng khác góp mặt trong nhóm nâng đỡ VN-Index tuần 15 – 19/11 gồm có BCM của Becamex, VGC của Viglacera, FLC của Tập đoàn FLC, ITA của Tân Tạo, VCG của Vinaconex.

Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 2.

Một số cổ phiếu của các nhà băng cũng đóng góp đáng kể như BID của BIDV và HDB của HDBank.

Phiên cuối tuần 19/11, sắc xanh tràn ngập nhóm ngân hàng sau một thời gian dài lặng sóng, riêng HDB kịch trần với thanh khoản cao nhất gần 4 năm.

BID tăng 2,8% trong tuần qua sau khi BIDV chốt ngày lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020. 

Trước đó, đại hội cổ đông thường niên ngày 12/3 năm nay đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.

Hiện nay BIDV có vốn điều lệ 40.220 tỷ đồng, tương ứng với hơn 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, xếp thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam và thứ 3 ngành ngân hàng. Nếu kế hoạch tăng vốn diễn ra suôn sẻ, BIDV sẽ vươn lên dẫn đầu toàn thị trường.

Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 4.

Hai cổ phiếu ngành chứng khoán là SSI và VND cũng tăng tốt và hỗ trợ chỉ số sau khi công bố kế hoạch tăng vốn khủng. Vốn hóa SSI hiện đã vượt 2 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu nhóm chứng khoán.

Giá dầu và thép lao dốc, kéo giá cổ phiếu đi xuống

Nhân tố chính khiến VN-Index đi xuống tuần qua là hai đại diện vốn hóa lớn của ngành thép và dầu khí: HPG của Tập đoàn Hòa Phát và GAS của Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas).

Theo thống kê của Algo Platform, chỉ hai mã HPG và GAS đã khiến cho VN-Index mất 0,91%.

Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 5.

Một cổ phiếu thép khác cũng ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số là HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Trong tuần qua, HPG và HSG đỏ lửa cả 5 phiên, mất lần lượt 12% và 16%. Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim cũng lao dốc nguyên tuần, mất gần 16% giá trị.

Theo số liệu từ TradingEconomics, giá thép xây dựng hiện đã giảm xuống dưới 4.300 nhân dân tệ/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và kém 25% so với đỉnh lịch sử.

Nguyên nhân được cho là nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu do thị trường bất động sản giảm tốc, trong khi ngành bất động sản thường tiêu thụ khoảng 40% lượng thép của Trung Quốc.

Tháng 9, số lượng công trình xây dựng mới khởi công giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 10, mức giảm lên tới 33,1%. Vốn đầu tư vào các dự án của doanh nghiệp bất động sản tháng 10 cũng sụt 5,4%.

Ô tô – một ngành sử dụng nhiều thép khác – cũng đang gặp khó khăn. Doanh số bán xe hơi tại Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua sụt giảm, ghi nhận tháng đi xuống thứ 6 liên tiếp.

Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 7.

Ở trong nước, ngày 15/11 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101 điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 30/12/2021. 

Theo đó, thuế nhập khẩu thép cốt bê tông giảm từ 20% xuống 15%; thép góc, khuôn, hình giảm từ 15% xuống 10%, sắt thép không hợp kim cán phẳng giảm từ 20% và 25% xuống còn 15%. Việc thuế nhập khẩu giảm xuống sẽ làm tăng sự cạnh tranh với các nhà sản xuất thép trong nước.

Không chỉ giá thép đi xuống, giá dầu cũng hạ nhiệt trong tuần qua giữa lo ngại về việc dịch COVID-19 tái bùng phát ở một số khu vực trên thế giới. Tại châu Âu, Áo đã thông báo phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch bệnh. Đức và Hà Lan đều ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục trong những ngày qua.

Phiên 19/11, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm còn 75,37 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 6 tuần trở lại đây.

Cổ phiếu nào nâng đỡ VN-Index tuần qua khi nhóm thép và dầu khí lao dốc? - Ảnh 8.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu dầu khí là nhóm giảm mạnh nhất trong phiên 19/11.

Song Ngọc