Cổ phiếu FLC tăng trần lên cao nhất 9 năm
Trong phiên đáo hạn phái sinh 18/11/2021, chỉ số thị trường VN-Index giảm 0,4%, chỉ số vốn hóa lớn VN30 mất 1,1%.
Ngược lại, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,25% và 1,17%. Chỉ số vốn hóa nhỏ VNSML và vốn hóa vừa VNMID cũng tăng tương ứng 1,3% và 1,18%.
Toàn thị trường có 140 mã kịch trần. Ngoại trừ SSI thuộc nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu "tím lịm" còn lại đều có vốn hóa vừa và nhỏ. Riêng họ FLC có hai mã tăng hết biên độ là ART của Chứng khoán BOS và cổ phiếu của chính Tập đoàn FLC.
Kết phiên, FLC dừng ở 15.600 đồng/cp, vượt qua đỉnh thiết lập hôm 18/6 năm nay và cũng là mức giá cao nhất kể từ đầu tháng 4/2012. ART đóng cửa ở giá 15.000 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 7/2018.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán BOS. Bà Trịnh Thị Ngúy Nga, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS là em gái ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.
Nhiều cổ phiếu khác liên quan tới Tập đoàn FLC cũng diễn biến khả quan trong phiên 18/11 như ROS của FLC Faros tăng 3,4%, HAI của Nông dược HAI và AMD của FLC Stone cùng tăng 3,2%, …
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết hiện đang sở hữu 215,44 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ của Tập đoàn và có giá trị thị trường khoảng 3.360 tỷ đồng. Vốn hóa của toàn tập đoàn hiện nay là trên 11.000 tỷ đồng.
Lần gần đây nhất Chủ tịch Quyết giao dịch cổ phiếu FLC là vào khoảng tháng 2 năm nay khi ông mua 15 triệu đơn vị theo hình thức khớp lệnh.
Giá cổ phiếu FLC khi đó chỉ khoảng 6.500 đồng/cp. Trong 9 tháng kể từ khi ông Quyết mua vào cho đến nay, FLC đã tăng giá 140%.
Ngoài đầu tư vào FLC, ông Quyết còn nắm giữ cổ phần trong một số doanh nghiệp niêm yết khác như FLC Faros, FLC GAB, Chứng khoán BOS và cả cổ phiếu chưa niêm yết của hãng hàng không Bamboo Airways.