|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trước đợt mua sắm mùa đông, các hãng thực phẩm Trung Quốc tăng giá bán, cắt giảm khuyến mãi

08:02 | 06/11/2021
Chia sẻ
Các nhà sản xuất cho biết giá nguyên liệu và vật liệu thô là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tăng vọt, điều này tác động rất nhiều tới giá bán của sản phẩm.

Theo Nikkei Asia, nhiều ông lớn trong ngành thực phẩm Trung Quốc đã thông báo tăng giá bán lẻ các sản phẩm của họ do chi phí sản xuất tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) cao hơn làm xói mòn biên lợi nhuận. 

Các công ty này gồm Foshan Haitian Flavouring & Food, Jiangsu Hengshun Vinegar Industry và Chacha Food đã tăng giá tới 18% trong tháng qua. Gã khổng lồ sản xuất giấm Jiangsu Hengshun hôm qua (4/11) cho biết một số sản phẩm sẽ có giá cao hơn từ 5% đến 15%, bắt đầu từ ngày 20/11. Điều này xảy ra do chi phí đầu vào thô và vận chuyển hàng hóa tăng "đáng kể". 

"Giá bán lẻ cao có thể không mang lại lợi nhuận tốt hơn, vì nó cũng ảnh hưởng đến khối lượng bán hàng, cùng với chi phí sản xuất tăng cao", Jiangsu Hengshun cho biết. 

Các ông lớn thực phẩm Trung Quốc tăng giá bán  - Ảnh 1.

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi giá hàng hóa tăng cao. (Ảnh: Reuters).

Tính riêng tuần này, ít nhất 3 nhà sản xuất thực phẩm khác đã đưa ra thông báo tương tự. Nhà sản xuất thực phẩm tươi sống Haixin Foods và công ty sản xuất gia vị Fu Jian Anjoy Foods cũng đã thông báo tăng giá bán lẻ từ 3% đến 10%. 

Chưa hết, các công ty này cũng giảm bớt các khuyến mãi. Hồi cuối tháng 9, công ty sản xuất nấm men Angel Yeast đã có động thái tăng giá và họ sắp sửa tiếp tục thông báo tăng giá vào thứ hai tới. Cả ba công ty này cũng đổ lỗi cho việc tăng chi phí nguyên liệu đầu vào. 

Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt cũng đã gây ảnh hưởng nhiều tới vùng trồng trọt, làm hư hại mùa màng và dẫn đến việc giá rau cùng thịt lợn tăng cao. Từ ngày 18/10 đến 24/10, giá rau trung bình hàng tuần đạt 5,57 nhân dân tệ (hơn 19.000 đồng)/kg, đánh dấu lần tăng thứ năm liên tiếp hàng tuần và tăng 24% so với năm tuần trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. 

Giá bán buôn thịt lợn bình quân tăng 13% so với hai tuần trước đó. Trong khi đó, giá đậu tương nhập khẩu trung bình tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao nhất trong 8 năm vào tháng 6 là 3.658,5 nhân dân tệ/tấn. 

Đậu nành được nghiền nát để sử dụng làm thức ăn gia súc, trong khi dầu đậu nành là nguyên liệu đầu vào chính trong nhiều sản phẩm thực phẩm. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc, nhập khẩu đậu nành chiếm hơn 4/5 lượng đậu nành tiêu thụ trong nước vào năm 2020. 

Các mặt hàng khác cũng đang trở nên đắt hơn. Giá giấy làm vật liệu đóng gói đã tăng 19,58% so với năm nay cho đến giữa tháng 10, theo số liệu của NBS. Giá lúa mì tăng 6,42% và giá đậu nành tăng 5,32%. 

"Tác động của việc tăng giá hàng hóa sẽ chuyển từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng trong dài hạn", Liu Shijing, Phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc cho biết tại hội nghị thượng đỉnh ngày 26/10. 

Ngoài vật liệu thô và nguyên liệu, các công ty cũng đưa ra nhiều lý do khác cho việc tăng giá, chẳng hạn như chi phí năng lượng, nhân công và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng. Theo Nikkei Asia, chỉ số PPI phản ánh cách các nhà sản xuất đưa ra giá bán của họ với người tiêu dùng. 

Chi phí sản xuất cao hơn dường như đã ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của các công ty thực phẩm. Trong quý III, lợi nhuận ròng của Haixin giảm 128% so với cùng kỳ năm trước; Hengshun's giảm 91,19%; và Angel Yeast's giảm 35,23%. 

Ngược lại, thông báo về việc tăng giá bán lẻ lại có vẻ tích cực đối với các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thực phẩm tăng vọt hôm thứ Ba (2/11) với cổ phiếu của Anjoy Foods tăng 8,13%, Angel Yeast tăng 7,59% và Haiti tăng 6,3%. 

Giá cổ phiếu tăng vọt một ngày sau khi thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nguồn cung lương thực khi chỉ đạo chính quyền địa phương yêu cầu các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày cho mùa đông phòng trừ trường hợp khẩn cấp. 

Thùy Trang