|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc vất vả tìm người người đến ở các thành phố sinh thái mới xây

07:38 | 27/09/2020
Chia sẻ
Theo chủ trương bảo vệ môi trường, Trung Quốc đã tích cực xây dựng nhiều thành phố sinh thái trên khắp cả nước. Tuy nhiên, thực tế là môi trường ngày càng xuống cấp còn người dân thì không hào hứng chuyển đến ở.

Một "bản nháp" của chính phủ

Ngay bên ngoài thành phố Thành Đô ở phía tây nam đất nước, Trung Quốc đang xây dựng một thiên đường đô thị lớn hơn cả Houston - thành phố đông dân thứ 4 tại Mỹ.

Hiện ra trước mắt du khách là một bãi cỏ rộng lớn được cắt tỉa gọn gàng, bao quanh một hồ nước nhân tạo. Ngoài ra, khung cảnh còn được điểm xuyết bằng hoa súng. Bloomberg ước tính diện tích bãi cỏ phải lớn gần bằng Công viên Trung tâm của New York.

Trung Quốc ra sức xây thành phố sinh thái nhưng chật vật tìm cư dân đến ở - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ trên không của hồ Xinglong ở trung tâm Tianfu Park City. (Ảnh: Bloomberg)

Khu đô thị được nhắc đến chính là Tianfu Park City - một trong hàng trăm dự án "thành phố sinh thái" đang được xây dựng trên đất trang trại và nông thôn ở Trung Quốc. Mô hình thành phố sinh thái là một chính sách mà chính phủ áp dụng nhằm tiếp nhận 100 triệu người dự kiến chuyển từ làng quê ra khu vực thành thị trước cuối năm 2020.

Trong nhiều thập kỉ qua, quá trình đô thị hóa diễn ra tràn lan trên khắp Trung Quốc, khiến nhiều khu ngoại ô cao tầng mọc lên xung quanh các thành phố lớn, xâm lấn đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, Trung Quốc hiện đang cố gắng tìm một cách bền vững để phát triển và tạo lập đời sống tốt hơn cho người dân.

"Không khí trong lành và khắp nơi đều xanh ngát", một cư dân 56 tuổi họ Fan cho hay về Tianfu. Khi bà mới chuyển đến vào năm 2013, Tianfu vẫn còn là một vùng ngoại ô bị bỏ quên của Thành Đô. "Tôi không hối hận về quyết định của mình, giá trị căn hộ của tôi tăng gấp đôi", bà Fan cho hay.

Dự án Tianfu được phê duyệt một năm sau khi bà Fan đến. Từ đó, chính phủ Trung Quốc liên tục hỗ trợ, khiến giá bất động sản tăng. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, Tianfu đã chốt được hơn 300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 44 tỉ USD) tiền đầu tư.

Khi hạng mục thi công lớn hoàn thiện trong năm nay, gần 60% khu vực Tianfu sẽ được dành để xây dựng 6 hồ nhân tạo, 30 công viên và các không gian xanh khác. Dân số trong khuôn viên này dự kiến giới hạn ở 6,3 triệu người vào năm 2030, tương đương 1/4 qui mô dân số của các thành phố lớn như Thượng Hải.

Bà Zheng Siqi - Giám đốc Phòng Đô thị hóa Bền vững của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết: "Các thành phố sinh thái mới giống như một bản nháp để chính phủ có thể dễ dàng thử nghiệm ý tưởng mới. Khi đó, chính phủ không cần phải tìm cách di dời các cư dân hiện có, khác với trường hợp cải tạo một thành phố đã có sẵn từ trước".

Chính sách đô thị xanh của Trung Quốc được thiết kế để giải quyết hai vấn đề môi trường cấp bách. Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị qui mô lớn và nhà ở dân cư đã trở thành một trong các nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất của đất nước tỉ dân.

Theo một nghiên cứu của Đại học Maryland (Mỹ), Trung Quốc có thể tạo ra hơn 1 tỉ tấn CO2 để hoàn thành mục tiêu đô thị hóa.

Cùng lúc, môi trường nông thôn và thành thị tại Trung Quốc đều đang xuống cấp. Hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc đều phải sống chung với không khí ô nhiễm và nước bẩn.

Theo Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, khoảng 90% đồng cỏ và 40% vùng đất ngập nước của Trung Quốc đang bị suy thoái.

Năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu nhấn mạnh ý tưởng về "nền văn minh sinh thái", trong đó các dự án bất động sản phải tính đến thiệt hại về môi trường.

Bloomberg cho biết, ý tưởng của ông Tập không phải lúc nào cũng trở thành chính sách cụ thể. Hướng dẫn của Bắc Kinh về xây dựng các thành phố mới luôn có các từ thông dụng như "hàm lượng carbon thấp" và "bảo vệ môi trường", tuy nhiên lại không có nhiều yêu cầu cụ thể về tối ưu năng lượng và vật liệu xây dựng.

Trung Quốc ra sức xây thành phố sinh thái nhưng chật vật tìm cư dân đến ở - Ảnh 2.

Các hồ nhân tạo và không gian xanh của Tianfu bao phủ hơn một nửa thành phố. (Ảnh: Bloomberg)

Động lực đằng sau "thành phố công viên"

Tianfu phát triển mạnh mẽ là nhờ sự ủng hộ của cá nhân ông Tập. Năm 2018, nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm Thành Đô và nhận xét đà phát triển của thành phố này nên "nêu bật lên đặc điểm của một thành phố công viên".

Các cán bộ địa phương nhanh chóng gán khái niệm "thành phố công viên" vào tên chính thức của Thành Đô và treo biểu ngữ trên đường phố để quảng bá. Viện Nghiên cứu Thành phố Công viên được thành lập để giúp dự án Tianfu trở thành "một hình mẫu thành công và nổi tiếng toàn cầu" về đô thị hóa.

Bà Wu Changhua - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (trụ sở tại Bắc Kinh), nhận định chính sách của Trung Quốc cho thấy ban lãnh đạo đất nước đang quyết tâm cải tạo môi trường. Tuy nhiên, đó không phải lúc nào cũng là động lực thúc đẩy các quan chức địa phương.

"Một động lực sâu xa hơn chính là các khoản trợ cấp và kích thích tăng trưởng kinh tế béo bở", bà Wu cho hay.

Trong hàng trăm dự án được phân loại là "thành phố sinh thái", nhiều công trình không áp dụng các chiến lược bền vững như tòa nhà tiết kiệm năng lượng, bố trí giao thông thông minh và năng lượng tái tạo, theo ông Deng Wu - Phó Giáo sư chuyên ngành kiến trúc của Đại học Nottingham tại Ninh Ba Trung Quốc.

Các nhà đầu tư thường quảng cáo dự án của họ "thân thiện với môi trường" vì tòa nhà duy trì nhiệt độ, độ ẩm và oxy ổn định bên trong, tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cần tiêu thụ một lượng điện năng lớn, ông Deng lí giải.

"Họ đánh đồng 'thân thiện với môi trường' là việc cư dân có thể sống thoải mái, tuy nhiên các dự án này không liên quan gì đến thân thiện với môi trường và thậm chí có thể gây tác dụng ngược", ông Deng nhấn mạnh.

Với nhiều người dân, cảnh quan đẹp và hiện đại, không khí, nước và đường phố sạch ở Tianfu là hiện thân của "thành phố sinh thái", là thước đo quan trọng của "nền văn minh sinh thái" hơn các tòa nhà tiết kiệm năng lượng.

Trung Quốc ra sức xây thành phố sinh thái nhưng chật vật tìm cư dân đến ở - Ảnh 3.

Qiyi City Forest Garden (Thành Đô) - dự án nhà ở sinh thái đầu tiên của Trung Quốc, trở thành thảm họa vì muỗi tấn công. (Ảnh: Getty Images)

Chật vật thu hút cư dân

Chỉ những công viên tươi đẹp là chưa đủ, các thành phố còn cần doanh nghiệp và việc làm để phát triển.

Tại khu thương mại trung tâm của Tianfu, một số công ty địa phương đi theo tiếng gọi của trợ cấp và ưu đãi thuế của chính phủ đã chuyển hoạt động về các tòa nhà chọc trời mới, dù khu vực này không hề nhộn nhịp.

Các chuỗi ăn uống lớn như Starbucks và Pizza Hut mở cửa hàng dọc bờ sông, nơi các đại lí bất động sản rao bán căn hộ cho người đi bộ và giới thiệu về các khoản đầu tư của chính phủ vào khu vực này.

Giáo sư Zheng của MIT cảnh báo còn quá sớm để nói liệu Tianfu có thu hút đủ cư dân hay không.

"Cung có thể vượt cầu nếu người dân không cảm thấy cần phải chuyển đến một thành phố mới xây dựng, đặc biệt là khi họ đang còn chưa tận dụng hết tiềm năng của thành phố Thành Đô hiện tại", bà Zheng lập luận.

Trong vài năm qua, Thành Đô đã trở thành một điểm đến phổ biến cho người trẻ muốn thoát khỏi cảnh giá thuê nhà cao chất ngất ở Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Theo Bloomberg, trong quá khứ đã từng xảy ra câu chuyện như lời cảnh báo của bà Zheng. Giới chức Trung Quốc từng tham vọng biến Binhai New City của tỉnh Thiên Tân thành một trung tâm tài chính mới khi cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo khởi động dự án 10 năm trước.

Năm 2019, chỉ khoảng 100.000 người dân quyết định chuyển đến sống và làm việc ở Thành phố Sinh thái Trung Quốc - Singapore (dự án lớn của Binhai), trong khi mục tiêu của chính phủ là có khoảng 350.000 cư dân thường trú vào năm 2020.

Cách 15 phút lái xe từ đường cao tốc mới xây dẫn ra khỏi Tianfu, cư dân làng Hongxiang đang chơi mạt chược vào một chiều Chủ Nhật của tháng 7, trò chuyện về khu Tianfu mới đang mọc lên gần đó.

Họ tự hỏi khi nào ngôi làng của mình sẽ bị phá bỏ để nhường chỗ cho Tianfu và liệu họ có được đền bù khi di dời nhà cửa mà cha ông đã truyền lại qua nhiều thế hệ hay không. Một nông dân 67 tuổi họ Zhou lo lắng rằng bà sẽ không đủ điều kiện để nhận lương hưu hoặc chăm sóc y tế trong thành phố, dù bà đã mất nguồn sống duy nhất.

Wang Xuelian, một bà mẹ hai con 33 tuổi, bối rối trước khái niệm thành phố sinh thái. Cô nói: "Mỗi ngày khi tôi mở cửa sổ, tôi có thể nhìn thấy thiên nhiên xung quanh mình. Tôi không hiểu tại sao họ muốn phá hủy thiên nhiên để xây dựng những ngôi nhà xanh giả tạo".

Yên Khê

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.