Trung Quốc tính bước tiếp theo sau 40 năm mở cửa
Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng hơn trong tháng 11 khi nhập khẩu nhiều mặt hàng chính giảm | |
Kinh tế Trung Quốc lộ yếu điểm trước Mỹ? |
Fred Hu vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm cuối năm 1977, khi lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình mở lại các kỳ thi tuyển vào Đại học sau thời kỳ Cách mạng Văn hóa. "Đó là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy con đường trước mắt mình rõ ràng như vậy", Hu nhớ lại, "Thời kỳ biến động đã qua. Một kỷ nguyên mới đã đến". Hu là nhà sáng lập quỹ Primavera Capital tại Bắc Kinh. Trước đây, ông tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và Harvard, làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và lãnh đạo Goldman Sachs Group tại Trung Quốc.
Trong nhiều năm sau đó, Hu và hàng trăm triệu người Trung Quốc khác đã rời nông thôn lên các thành phố để kinh doanh riêng, hoặc làm việc trong các nhà máy, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới. Các chính sách cải tổ của Đặng Tiểu Bình chính thức được thực hiện cách đây 40 năm - ngày 18/12/1978, dẫn đến một trong những quá trình tạo ra của cải lớn nhất thế giới, đưa hơn 700 triệu người thoát cảnh nghèo khổ.
Tuy nhiên, những thay đổi này cũng khiến Trung Quốc gặp phải nhiều vấn đề hiện tại. Sau hai thập kỷ kích thích tăng trưởng bằng mọi giá, Trung Quốc ngập trong ô nhiễm sông ngòi, khói bụi và núi nợ. Dù vậy, cũng trong thời gian này, họ dần hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Quá trình này tăng tốc sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Cố lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình. Ảnh: AFP |
Khi Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình nhậm chức năm 2013, nhiều người kỳ vọng ông sẽ tiếp nối các cải cách của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, trong khi Đặng Tiểu Bình muốn dựa vào các chính sách cải tổ theo hướng thị trường để giúp Trung Quốc giàu có, ông Tập lại nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ và chính trị.
Arthur Kroeber - nhà sáng lập kiêm giám đốc hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo sau này đều nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, và giảm vai trò của nhà nước. Còn ông Tập dường như đang nghĩ đến việc cân bằng.
Bỏ qua chính sách "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, ông Tập đối đầu trực diện với Mỹ và nhiều lãnh đạo thế giới khác. Các quốc gia này nhiều năm nay vẫn nổi giận với việc Bắc Kinh chậm chạp mở của thị trường cho các công ty ngoại. Họ cho rằng các công ty Trung Quốc được nuôi dưỡng bằng những khoản hỗ trợ hào phóng của chính phủ, các khoản vay giá rẻ và được che chắn khỏi cạnh tranh từ nước ngoài.
Trung Quốc đang trong thời điểm quan trọng, khi cố tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đây là giai đoạn thu nhập bình quân của một quốc gia chững lại trước khi tiến lên nước giàu. Thông thường, việc này là do tăng trưởng lương và chi phí ăn mòn lợi nhuận của các nhà máy sản xuất những mặt hàng cơ bản như trang phục hay đồ nội thất. Một nguyên nhân khác là nền kinh tế không thể dịch chuyển lên các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao hơn.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kể từ năm 1960, chỉ 5 nền kinh tế công nghiệp ở Đông Á thoát bẫy này. Đó là Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Để gia nhập nhóm này, ông Tập cần cải cách các thị trường của Trung Quốc, tăng cạnh tranh trong ngành dịch vụ tài chính, nâng cấp công nghệ, thắt chặt quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh đang đối phó với cuộc chiến thương mại của Mỹ. Các thách thức hiện tại của ông là lực lượng lao động già đi, núi nợ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, cũng như vấn đề về môi trường có thể phải mất hàng thập kỷ mới giải quyết hết.
Một góc thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg |
Trung Quốc có vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay không sẽ phụ thuộc vào nhóm di cư và các doanh nhân khởi nghiệp - những người đã tận dụng sự mở cửa từ thời Đặng Tiểu Bình để mở công ty tư nhân. Phó thủ tướng Trung Quốc - Lưu Hạc cho biết lĩnh vực tư nhân nước này hiện tạo ra 60% GDP cả nước, 70% sáng tạo về công nghệ và 90% việc làm mới.
Tuy nhiên, rất nhiều công ty trong nhóm này đang chịu sức ép từ chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế và giảm ô nhiễm môi trường do ông Tập khởi xướng. Việc trấn áp hoạt động ngân hàng phi chính thức đã bóp nghẹt nguồn vốn được các doanh nghiệp này ưa chuộng trong thời kỳ bùng nổ kinh tế. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ khác cũng đã bị đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường.
Sự khó khăn của họ đã khiến các nhà hoạch định chính sách đầu năm nay phải ra biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ. Giới chức đã thuyết phục các ngân hàng tăng cho vay doanh nghiệp tư nhân. Đây là chính sách nằm trong chiến dịch được ông Tập cam kết hỗ trợ "không ngừng" cho lĩnh vực tư nhân.
Dù vậy, Hu cho rằng các chính sách này vẫn chưa đủ hiệu quả. Rủi ro niềm tin nhà đầu tư đi xuống và hoạt động kinh doanh giảm sút vẫn còn, có thể đẩy Trung Quốc vào một vòng xoáy nguy hiểm. "Điều chính phủ cần bây giờ là gỡ bỏ các rào cản đang bóp nghẹt doanh nghiệp. Vẫn còn quá nhiều quy định ngớ ngẩn", Hu cho biết.
Các thành công và thách thức của doanh nhân khởi nghiệp Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở Thâm Quyến. Trong 4 thập kỷ qua, nơi này từ một làng chài đã phát triển thành trung tâm sản xuất, rồi xuất khẩu và hiện tại là trung tâm công nghệ. Andy Yu đến Thâm Quyến năm 2003 và làm việc cho một công ty công nghệ, sau đó mở doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động riêng - Shenzhen Garlant Technology Development.
"Một số người nói rằng Trung Quốc chỉ có thể làm hàng kém chất lượng giá rẻ, nhưng không phải. Trung Quốc có thể làm ra những sản phẩm thực sự tốt. Đó là lý do các công ty như Apple đặt nhà máy tại đây. Trung Quốc có tỷ lệ giá sản phẩm trên chất lượng tốt nhất", ông cho biết.
Yu tin rằng sự kết hợp giữa giá thấp và chất lượng tốt sẽ giúp công ty ông vượt qua thuế nhập khẩu của Mỹ. Dù Mỹ có nâng thuế lên 25% năm tới, Yu vẫn có thể tăng giá, do các đối thủ phương Tây của ông bán giá cao hơn rất nhiều. Còn các đối thủ tại Đông Nam Á và Mỹ Latin lại không có công nghệ hiện đại bằng.
Để đạt mục tiêu thống trị các công nghệ chủ chốt, theo kế hoạch "Made in China 2025" của ông Tập, Trung Quốc cần làm nhiều hơn là sản xuất điện thoại và laptop. Tuy nhiên, mô hình tăng kiểm soát nhà nước và siết tín dụng có thể làm giảm đột phá.
Michael Spence - nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cho rằng tác động kinh tế từ các chính sách kiểm soát này chỉ có thể thấy được sau một thời gian nữa và hiện khó đánh giá ảnh hưởng. "Nếu làm quá, việc này sẽ phản tác dụng với đột phá", ông cho biết. Dù vậy, nền kinh tế kỹ thuật số cùng các công ty sản xuất hàng giá trị cao vẫn có thể giúp Trung Quốc gia nhập nhóm nước giàu có, dù tốc độ có chậm lại.
GDP Trung Quốc chỉ tăng 6,5% trong quý III - chậm nhất từ khủng hoảng tài chính 2009. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc có thể duy trì tốc độ 5% đến những năm 2020, thu nhập bình quân nước này sẽ dần thu hẹp so với các nước phát triển.
Dù vậy, Scott Rozelle - nhà kinh tế học tại Đại học Stanford cho rằng Trung Quốc vẫn chưa đầu tư xứng đáng cho giáo dục. Theo một cuộc điều tra năm 2015 của nước này, chỉ khoảng 30% lao động học hết phổ thông. So với các nước có thu nhập trung bình khác, tỷ lệ này rất thấp. Dù không khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc trở thành cường quốc sản xuất, nó có thể kéo tụt quá trình nước này trở thành nền kinh tế tri thức, tiên tiến.
Primavera Capital của Hu đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực mới, như dịch vụ tài chính hay điện toán đám mây. Ông cho biết sự sáng tạo và tầm nhìn của doanh nhân Trung Quốc không thua kém Thung lũng Silicon và nhiều trung tâm công nghệ khác trên thế giới. Ông tin rằng Trung Quốc sẽ đạt đến ngưỡng nước phát triển. Dù vậy, Hu cũng tỏ ra lo ngại với các chính sách hiện nay.
"Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng, nhưng mọi người muốn biết liệu các chính sách này sẽ đẩy nhanh cải tổ hay kéo tụt nó. Cải tổ yếu có thể khiến Trung Quốc không tận dụng hết tiềm năng kinh tế", ông kết luận.