|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gánh nợ 3.000 tỉ đô la đe dọa kinh tế Trung Quốc

20:59 | 18/11/2018
Chia sẻ
Các công ty phát triển bất động sản và các nhà đầu tư ở Trung Quốc đã vay nợ bằng đồng đô la ước tính khoảng 3.000 tỉ đô la ở mức lãi suất thấp nhưng giờ đây, họ đang chật vật trả nợ do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất và đồng bạc xanh ngày càng tăng giá mạnh so với đồng nhân dân tệ (NDT), theo tờ South China Morning Post.
ganh no 3000 ti do la de doa kinh te trung quoc Nỗi lo của Alibaba khi kinh tế Trung Quốc chững lại
ganh no 3000 ti do la de doa kinh te trung quoc
Các công ty Trung Quốc sẽ đối mặt với áp lực trả nợ cho các khoản vay bằng đồng đô la nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Ảnh: Forex News Now

Mối nguy từ gánh nợ 3.000 tỉ đô la Mỹ

Gánh nợ khổng lồ trong nước từ lâu đã là vấn đề đau đầu đối với Bắc Kinh nhưng đòn bẩy tài chính dựa vào khoản vay tính bằng đồng đô la của các công ty Trung Quốc, vốn đang bị đánh giá thấp, có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này, theo nhận định của Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng nghiên cứu thị trường châu Á tại Công ty dịch vụ tài chính và chứng khoán Daiwa Capital Markets (Nhật Bản).

Kevin Lai cho rằng khoản nợ 3.000 tỉ đô la của các công ty Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương giữa lúc tính thanh khoản của đồng đô la bị siết chặt, đồng nhân dân tệ suy yếu và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn.

Theo Kevin Lai, tổng nợ đô la Mỹ toàn cầu bên ngoài nước Mỹ hiện nay đã tăng lên 12.000 tỉ đô la so với con số 9.000 tỉ đô la vào năm 2013. 25% của con số này, tương đương 3.000 tỉ đô la được vay mượn bởi các công ty ở Trung Quốc đại lục và các công ty con của họ ở Hồng Kông, Singapore và các nước thuộc vùng Caribê. Các khoản nợ xuyên biên giới bằng đồng đô la của Trung Quốc tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác.

Khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm 2013 và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiến hành cải cách tỷ giá hối đoái vào tháng 8-2015, Trung Quốc càng vay nợ đồng đô la nhiều hơn, thay vì trả bớt và giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến quản trị và hiệu quả doanh nghiệp.

Kevin Lai cho rằng các khoản nợ bằng đồng đô la của toàn cầu có thể lên mức đỉnh 13.000 hoặc 14.000 tỉ đô la giữa lúc Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản để thu về đồng đô la rồi sau đó trả các khoản nợ bằng đồng đô la của họ. Kevin Lai cảnh báo: “Chúng ta sẽ phải nói đến một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, hay nói cách khác, một cuộc khủng hoảng nợ đồng đô la”.

Khoản nợ bằng đồng đô la mà các công ty Trung Quốc huy động ở nước ngoài đã xâm nhập vài hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Đây là điều đáng lo ngại trong bối cảnh áp lực giảm giá đang đè nặng lên tỷ giá hối đoái của đồng ngân dân tệ.

Gánh nặng nợ đô la tăng nếu NDT tiếp tục giảm giá

Trước đây, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư ở Trung Quốc đã tận dụng mức chênh lệch lớn giữa lãi suất của đồng đô la và đồng nhân dân tệ để vay nợ bằng đồng đô la với lãi suất thấp, sau đó, chuyển vào các tài sản được định giá bằng đồng nhân dân tệ để được hưởng lãi suất cao hơn.

Song trong nỗ lực hỗ trợ cho vay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gần đây PBoC chỉ tăng nhẹ lãi suất đồng nhân dân tệ dù Fed liên tục tăng lãi suất cơ bản của đồng đô la. Động thái này khiến chênh lệch giữa mức lãi suất của đô la Mỹ và nhân dân tệ thu hẹp nhanh chóng đến mức không còn bù bắp nổi chi phí trả các khoản nợ bằng đồng đô la.

Hôm 16-11, tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ được PBoC ấn định ở mức 6,9377 NDT ăn 1 đô la, sau khi đã giảm khoảng 11% so với đồng đô la kể từ tháng 3.

Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng nghiên cứu thị trường châu Á tại công ty dịch vụ tài chính và chứng khoán Daiwa Capital Markets, nhận định đối với nhiều nhà đầu tư tiền tệ, vùng giao dịch an toàn của họ nằm ở khoảng 6,2-7 NDT ăn 1 đô la Mỹ, vì vậy, nếu tỷ giá NDT - đô la bứt phá qua ngưỡng 7-1, NDT sẽ bị bán mạnh khiến nó giảm giá mạnh hơn.

Dĩ nhiên, lúc này, các khoản nợ bằng đồng đô la sẽ trở nên khó quản lý hơn, khiến NDT càng bị bán mạnh hơn và có thể dẫn đến một vòng xoáy giảm giá của NDT khi áp lực trả nợ 3.000 tỉ đô la Mỹ gia tăng. “Chúng ta đang nói về một tai họa lớn từ đồng đô la. Nếu NDT tiếp tục giảm giá, bạn sẽ chứng kiến một khủng hoảng nợ bằng đồng đô la ở Trung Quốc”.

Chẳng hạn, Tập đoàn China Evergrande Group (Trung Quốc), công ty bất động sản vay nợ lớn nhất Trung Quốc, dự kiến phải trả mức lãi suất lên đến 11% cho khối lượng trái phiếu bằng đồng đô la trị giá 1,5 tỉ đô la đang được lên kế hoạch phát hành. Khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để trả nợ cho các khoản vay nợ bằng đô la hiện nay của China Evergrande Group. Giới phân tích cho biết nhiều công ty phát triển bất động sản khác ở Trung Quốc cũng đối mặt với tình huống tương tự. Trong 12 tháng tới, các công ty này đến hạn trả nợ trái phiếu bằng đồng đô la trị giá 34,8 tỉ đô la ở trong nước và trị giá 17,9 tỉ đô la ở nước ngoài.

Xem thêm

Lê Linh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.