Bức màn sắt kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN |
Đó là lời cảnh báo của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson được đăng trên Báo Liên hiệp buổi sáng Singapore chi nhánh Hong Kong.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế mới do tập đoàn Bloomberg tổ chức tại Singapore ngày 7/11, Hank Paulson đã giải thích sâu về nguyên nhân của cuộc xung đột hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời đề cập đến con đường trước mắt để giải quyết những khác biệt giữa hai nước nhằm tránh để mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào “mùa Đông dài dằng dặc”.
Theo Paulson, mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại, song đây vẫn là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới, không một quốc gia nào có thể “ly hôn” với một quốc gia quan trọng như vậy. Do đó, nếu Mỹ muốn cô lập Trung Quốc, nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự cô lập mình.
Tuy nhiên, Paulson cũng thẳng thắn thừa nhận rằng hai nước Trung-Mỹ cũng có sự khác biệt về lợi ích trong các lĩnh vực then chốt ngoài lĩnh vực thương mại, ngay cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại, cục diện căng thẳng giữa hai nước sẽ vẫn còn tiếp tục. Ông chỉ ra rằng tình hình hiện nay có một phần lỗi lầm của Trung Quốc khi nước này chưa thể mở cửa với bên ngoài, chứ không chỉ là do thái độ đối địch của Mỹ.
Do đó, cựu Bộ trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế, chấm dứt chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc chuyển giao công nghệ, đồng thời cho phép các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước ở một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Ông cũng đề nghị nên để thị trường dẫn dắt các quyết sách kinh doanh chính, và Trung Quốc nên có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía Mỹ, Hank Paulson cho rằng Mỹ nên tranh thủ các đối tác hợp tác, cùng bắt tay với các đối tác này để thúc đẩy mối quan hệ hiểu biết và hợp tác với Trung Quốc. Trong đó, Mỹ có thể cùng với các đối tác tăng cường thể chế hiện hành của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như xem xét lại việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hình thành nên môi trường phù hợp với Trung Quốc.
Ông cho rằng Mỹ nên thiết lập mục tiêu rõ ràng hơn khi đàm phán với Trung Quốc. Mỹ cũng cần thay đổi luận thuyết chiến lược, không nên tiếp tục coi Trung Quốc như một mối đe dọa cho sự sống còn của nền văn minh Mỹ. Cuối cùng, chính Mỹ cũng phải cải thiện khả năng cạnh tranh và đầu tư nguồn lực vào các lĩnh vực kinh tế, quân sự, giáo dục, khoa học và công nghệ, kỹ thuật và quan hệ liên minh.
Hank Paulson là thành viên đảng Cộng hòa, phụ trách Bộ Tài chính Mỹ trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hiện ông đang có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng ngày nay đã khác với trước kia, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về công nghệ, kinh tế và địa chính trị hoàn toàn mới, toàn cầu đã bước vào một thời điểm quan trọng, có một nhu cầu cấp thiết để thiết lập một khuôn khổ mới.
Ông nói: “Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể tìm cách để vạch ra một sự đồng thuận khả thi, tranh chấp giữa họ sẽ tạo thành một rủi ro mang tính hệ thống to lớn. Điều này không chỉ là nền kinh tế toàn cầu,mà còn bao gồm trật tự quốc tế và hòa bình thế giới”.