Trung Quốc siết nhập khẩu: Việt Nam phải gắng sức mở thị trường mới
Tại cuộc hội thảo: “Định hướng xuất khẩu, cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, do Sở Công Thương TP Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam vừa tổ chức, một số diễn giả đã nhận định:
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, 2 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù vẫn tăng trưởng song tốc độ tăng không cao như cùng kỳ năm trước.
Chương trình hội thảo với chủ để: “Định hướng xuất khẩu, cơ hội và giải pháp cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay”
Tại hội thảo, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo xuất khẩu Việt Nam không nên tập trung vào 2 thị trường lớn đó là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thay vào đó hãy tìm kiếm những thị trường mới mẻ và tiềm năng hơn.
“Về thị trường Hoa Kỳ, chúng ta không nên tăng cường xuất khẩu quá nhiều. Vì nếu Hoa Kỳ mà nâng thuế lên, chúng ta sẽ không xuất khẩu được nữa. Cho nên để tránh việc đó chúng ta nên tự kìm chế và tìm kiếm những thị trường khác.
Còn đối với Trung Quốc, có những mặt hàng chúng ta tập trung quá nhiều, ví dụ như là rau quả chiếm tới 72% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Nhưng gần đây Trung Quốc đã áp dụng những tiêu chí quốc tế rất là nghiệm ngặt, gây khó khăn trong việc xuất khẩu của Việt Nam”, ông Doanh giải thích.
TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ tại hội thảo
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam cần phải liên kết với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản để họ nhập khẩu các sản phẩm của ta. Từ đó, chúng ta trở thành một phần của chuỗi giá trị của họ thì chúng ta mới có thể tăng khả năng xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ. Gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Thay vì rời rạc, riêng lẻ thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải liên kết chặt chẽ với nhau.
“Một doanh nghiệp quá nhỏ sẽ gặp rất nhiều rủi ro vì không có khả năng nghiên cứu thị trường, không có đầy đủ thông tin,… vì vậy các doanh nghiệp nên liên kết lại với nhau, cùng nhau hỗ trợ. Thậm chí là cùng nhau tham gia một chuỗi giá trị, cùng đăng ký một thương hiệu.
Muốn như vậy, các doanh nghiệp phải có liên kết đáng tin cậy để tránh tình trạng doanh nghiệp này làm ăn có năng lực cạnh tranh cao, nhưng có doanh nghiệp lại có thiếu sót này khác. Như vậy có thể dẫn đến một con sâu làm rầu nồi canh, TS. Lê Đăng Doanh nói.
TS. Lê Đăng Doanh cũng cho biết, bên cạnh những yếu tố bên ngoài, việc tự xây dựng chất lượng sản phẩm là một trong những yếu tố hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần cố gắng hết sức nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn mà thị trường xuất khẩu yêu cầu.