Trung Quốc ra sức thâu tóm nền kinh tế Bồ Đào Nha
Trung Quốc ráo riết săn lùng các mỏ vàng ở nước ngoài | |
Chiến tranh thương mại không phải mối lo duy nhất của kinh tế Trung Quốc |
Công ty điện lực Energias de Portugal (EDP) từng một thời là doanh nghiệp nhà nước đầy kiêu hãnh của Bồ Đào Nha với hơn 25 nghìn lao động. Nhưng công ty này sẽ sớm về tay người Trung Quốc. Tam Hiệp Trung Quốc (China Three Gorges – CGT) - công ty điện lực thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc và hiện đã sở hữu 1/4 EDP, ra lời chào mua trên Sàn giao dịch Chứng khoán Lisbon để mua toàn bộ cổ phần còn lại của công ty này.
Tổng giá trị của thương vụ này là 9,07 tỷ euro (10,83 tỷ USD), không tính 23% cổ phần EDP mà CGT hiện đã sở hữu. Trong tuyên bố đề xuất mua lại EDP hồi tháng 5, CGT cho biết muốn sở hữu tối thiểu 50% cổ phần và 1 cổ phiếu tại EDP. Tuy nhiên, EDP từ chối mức giá mua lại toàn bộ của CGT.
Công ty điện lực Energias de Portugal có thể về tay người Trung Quốc. Nguồn: Matti Frisk/DW. |
Giới chuyên gia cảnh báo, đây chỉ là một phần trong kế hoạch lớn của Trung Quốc, theo đó nước này muốn thâu tóm các lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế Bồ Đào Nha. Trong khi đó, chính phủ Bồ Đào Nha cho biết người Trung Quốc cũng được chào đón như bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác.
Cơn sốt mua sắm của Trung Quốc trên khắp châu Âu đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Đó là tranh cãi về việc Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành ô tô, dược phẩm và công nghệ người máy tại Đức, mua lại cảng Piraeus của Hy Lạp và nhiều thương vụ khác.
Tuy nhiên, chính phủ đang cạn tiền mặt của Bồ Đào Nha rất vui lòng với nguồn tài chính dồi dào của Trung Quốc – đặc biệt từ khi nước này hỗ trợ Bồ Đào Nha qua giai đoạn “tam đầu chế” (gồm Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ủy ban Châu Âu (EC) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)) đầy khó khăn. Trung Quốc thậm chí còn sốt sắng hơn trong cuộc khủng hoảng và mua nợ chính phủ Bồ Đào Nha – điều mà không quốc gia nào dám làm.
Đầu tư chiến lược
Hiện nay, công ty bảo hiểm Bồ Đào Nha Fidelidade thuộc về Tập đoàn Fosun của Trung Quốc. Fosun cũng kiểm soát 1/4 cổ phần tại Ngân hàng Millennium BCP. Ngân hàng Haitong mua lại ngân hàng đầu tư BESI với mức giá 379 triệu euro (tương đương 423 triệu USD vào thời điểm đó).
Trung Quốc đã mua lại bệnh viện tư nhân Hospital da Luz. Nguồn: Jochen Faget. |
Tập đoàn HNA trở thành cổ đông của hãng hàng không TAP. Công ty vận hành lưới điện Bồ Đào Nha REN hiện là một phần của tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc. Tại Sines, phía nam thủ đô Lisbon, một cảng biển nước sâu ít được sử dụng bấy lâu đang được Trung Quốc mở rộng.
“Trung Quốc đang đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và ngân hàng, cũng như cơ sở hạ tầng”, ông Ilidio Serodio, phó chủ tịch Phòng Thương mại Bồ Đào Nha – Trung Quốc, cho biết.
Ông Serodio nói thêm, “các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp chính phủ Bồ Đào Nha giảm nợ quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng”, đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư. Vì thế nguồn tiền đang cần cấp bách được bơm vào trong nước và tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi.
Ông Ilidio Serodio, phó chủ tịch Phòng Thương mại Bồ Đào Nha – Trung Quốc. Nguồn: Jochen Faget. |
Mất độc lập?
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với nhận định trên. Những trên hết, họ chỉ trích nỗ lực của Trung Quốc trong thương vụ thâu tóm công ty điện lực EDP.
“Từ góc nhìn kinh tế, không có lý gì để công ty điện lực lớn nhất nước bị kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất”, giáo sư kinh tế Joao Duque cho biết.
Bất ngờ hơn cả, chính phủ Bồ Đào Nha không hề phản đối ý định thâu tóm EDP của người Trung Quốc, đặc biệt là khi chính phủ nước này trước đó đã ngăn chặn thương vụ bán hãng hàng không TAP cho Mỹ một năm trước và giữ lại 50% cổ phần. Sự im lặng quanh vụ EDP chỉ có thể lý giải bằng lý do chính trị.
Thật ra, chính phủ Bồ Đào Nha đang im lặng đến bất ngờ về các khoản đầu tư của Trung Quốc nói chung, không riêng thương vụ EDP. Dù từng ngăn chặn việc bán lại một kênh truyền hình tư nhân cho nhà đầu tư Pháp, chính phủ Bồ Đào Nha lại không hề nao núng khi để một nhà đầu tư từ Macau mua 30% cổ phần Global Media để trở thành cổ đông chính của tập đoàn truyền thông hàng đầu Bồ Đào Nha này. Giáo sư Duque cảnh báo, Bồ Đào Nha có thể trở nên phụ thuộc vào các khoản đầu tư của Trung Quốc và trở thành đối tương của trò tống tiền chính trị.
Chi nhánh ngân hàng Haitong tại Lisbon. Nguồn: Jochen Faget. |
Hậu quả trên quy mô quốc tế
Tuy nhiên, việc Trung Quốc thâu tóm EDP không chỉ là vấn đề của riêng Bồ Đào Nha vì EDP hiện diện trên khắp thế giới với nhiều nhà máy thủy điện, điện gió và điện mặt trời trên toàn cầu, thậm chí ở Nam Mỹ và Mỹ.
“Đó còn là vấn đề của các thị trường như Brazil, nơi người nước ngoài khó có cơ hội tìm được chỗ đứng nào. Đi đường vòng qua Bồ Đào Nha sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường như thế dễ dàng hơn”, ông Serodio cho biết.
Nhưng vẫn chưa rõ liệu thương vụ thâu tóm EDP của người Trung Quốc có thành công hay không. Lúc đầu, các đảng cánh tả đều ủng hộ chính phủ và các công đoàn yêu cầu phần lớn cổ phần phải được “hồi hương” về Bồ Đào Nha. Nhưng sau đó, giá cổ phiếu EDP tăng vọt, do đó phía Trung Quốc sẽ phải nâng giá chào mua lên rất nhiều. Và cuối cùng, người Mỹ cũng có tiếng nói trong thương vụ này do EDP có hoạt động tại Mỹ, vì thế giọng điệu công kích gần đây nhắm vào Trung Quốc có thể trở thành nguyên nhân khiến thương vụ sụp đổ.