|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc phát hiện kháng thể có khả năng giúp cơ thể miễn nhiễm COVID-19

18:14 | 03/04/2020
Chia sẻ
Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phân lập thành công vài kháng thể mà họ cho rằng sẽ có ích trong việc ngăn chặn khả năng xâm nhập của virus corona vào tế bào mới.

Hiện nay thế giới vẫn chưa có vắc xin có khả năng ngừa virus SARS-CoV-2, thủ phạm gây nên đại dịch viêm phổi cấp khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Giới khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm thuốc có khả năng trị COVID-19.

Zhang Linqi, giảng viên tại Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, và một số bác sĩ của Bệnh viện Nhân dân số 3 ở Thâm Quyến thông báo họ vừa phân lập thành công một số kháng thể chống SARS-CoV-2. Thành tựu của họ sẽ giúp các nhà khoa học có thêm hy vọng trong nỗ lực tìm thuốc điều trị.

Trung Quốc phát hiện kháng thể có khả năng giúp cơ thể miễn nhiễm COVID-19 - Ảnh 1.

Trong khi vắc xin tạo giúp cơ thể người tạo ra kh áng thể, việc tiêm kháng thể sẽ đưa vào bệnh nhân những kháng thể đã có sẵn. Ảnh: Science Daily

Hồi đầu tháng 1, nhóm của Zhang bắt đầu phân tích các kháng thể trong những mẫu máu của bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Họ phân lập 206 kháng thể đơn dòng và nhận thấy các kháng thể này có khả năng liên kết với tế bào protein của nCoV. Sau đó, họ thực hiện một thử nghiệm khác để xem các kháng thể ấy hoạt động hiệu quả hay không.

“4 trong số 20 loại kháng thể đầu tiên mà chúng tôi thử nghiệm có thể ngăn sự lây lan của SARS-CoV-2. Đặc biệt, 2 trong số chúng đạt hiệu quả cực tốt”, ông Zhang phát biểu.

Nhóm nghiên cứu hiện tập trung vào việc xác định các kháng thể mạnh nhất để liên kết chúng với nhau phòng trường hợp virus đột biến. Nếu mọi việc suôn sẻ, Zhang và các đồng nghiệp hy vọng họ có thể thử nghiệm thuốc trên động vật trước khi thử nghiệm trên con người.

“Giới khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của kháng thể trong y học qua nhiều thập kỷ. Chúng có thể điều trị ung thư, các bệnh tự miễn và các bệnh truyền nhiễm”, ông Zhang nhấn mạnh.

Phương pháp điều trị bằng kháng thể có cơ chế khác so với vắc xin. Trong khi vắc xin tạo giúp cơ thể người tạo ra kháng thể, việc tiêm kháng thể sẽ đưa vào bệnh nhân những kháng thể đã có sẵn. Tuy vậy, bác sĩ vẫn có thể áp dụng phương pháp tương tự cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Quá trình sản xuất một loại thuốc - từ nghiên cứu tới nhận giấy phép và ra thị trường - thường kéo dài khoảng 2 năm. Tuy nhiên, các chính phủ và giới nghiên cứu hi vọng họ sẽ rút ngắn khoảng thời gian này đối với vắc xin ngừa COVID-19. Nhóm của Zhang kì vọng thử nghiệm kháng thể trên người sẽ diễn ra trong 6 tháng nữa.

Một số nhà nghiên cứu lo ngại về các thử nghiệm kháng nguyên trên người, cho rằng đó là quyết định mạo hiểm.

“Chúng ta cần thử nghiệm và theo dõi sát sao các biện pháp chữa bệnh trước khi áp sụng chúng trên cơ thể người. Dù vậy, phát hiện các phương pháp điều trị mới cũng là điều tích cực trong hoàn cảnh hiện thời.

Số phương pháp càng lớn, hành trình tìm thuốc chống virus corona càng gần đích”, Ben Cowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Hong Kong, lập luận.

Cửu Dương