Trung Quốc ngày càng kén chọn nông sản
Tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt" do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng phối hợp với CLB Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Nam (DAA), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Agrotrade) tổ chức ngày 26-8 tại TP HCM, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Agrotrade, khẳng định thị trường Trung Quốc đã khác xưa nên cần cách tiếp cận mới theo hướng nâng dần xuất khẩu chính ngạch.
Không phải gì cũng mua
Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, cho biết Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chiếm 10% toàn cầu. Giai đoạn từ năm 2008-2017, nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng bình quân 8,8%/năm. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã chi 80,5 tỉ USD để nhập nông sản, tăng 12,7% so với năm 2017.
"Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích doanh nghiệp (DN) nước mình nhập khẩu nhiều hơn nông sản từ Việt Nam để cân bằng cán cân thương mại hai bên. Tuy nhiên, thời gian qua, đến 60%-70% nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, hoạt động xuất khẩu do các DN nhỏ và siêu nhỏ thực hiện.
Nông sản Việt Nam sản xuất thiếu tiêu chuẩn, chất lượng không đồng đều, thiếu thương hiệu. Trung Quốc đông dân, tiêu thụ lớn nhưng đừng nghĩ mang gì sang cũng bán được mà cần phải tìm hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng gần đây" - ông Thành phân tích.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu hồ tiêu chế biến sâu, chất lượng tốt cho ông Rocky Sun |
Theo ông Ưng Thế Lãm, Trưởng nhóm Liên kết DN xuất khẩu củ quả thuộc DAA, bản thân ông đã từng xuất khẩu tiểu ngạch thanh long sang Trung Quốc nhưng thất bại vì chưa hiểu thị trường. "Thương lái Trung Quốc đến tận làng Việt Nam thu mua vì chúng ta chưa có năng lực mang hàng sang đó bán. Tham tán thương mại, DN, thương lái Trung Quốc ở Việt Nam đều nói rất sõi tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt trong khi người Việt Nam ra nước ngoài chủ yếu nói tiếng Anh. Đó là lý do DN Việt Nam chỉ dám bán hàng bên này biên giới để tránh rủi ro" - ông Lãm nói.
Mở cửa nhiều mặt hàng mới
Ông Rocky Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN, cho rằng Việt Nam xuất khẩu rất nhiều thanh long sang Trung Quốc nhưng rất thiếu các hoạt động quảng bá. Trong khi đó, cam Mỹ và kiwi New Zealand đang phát triển thương hiệu rất tốt tại Trung Quốc nhờ tập trung một đầu mối. "Họ thống nhất được quy trình trồng, giống, gia công, đóng gói… với thương hiệu chung nên dễ làm truyền thông" - ông Rocky Sun nêu kinh nghiệm.
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP HCM), nêu vấn đề là 2 nước đang khuyến khích xuất nhập khẩu chính ngạch nhưng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu rất ít. "Ví dụ ngành hàng trái cây chỉ có 8 loại quả được xuất khẩu chính ngạch là dưa hấu, thanh long, vải, chuối, nhãn, mít, xoài, chôm chôm. Những mặt hàng khác đều phải đi tiểu ngạch, ngay cả sầu riêng là loại trái cây tỉ đô rất được Trung Quốc ưa chuộng cũng không ngoại lệ. Câu chuyện lớn ở đây là Việt Nam phải đàm phán mở cửa thị trường thì mới xuất khẩu chính ngạch" - ông Chất đặt vấn đề. Trả lời câu hỏi của DN, ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam, thông tin Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng khoai lang, măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi có 2 nhóm mặt hàng là sữa và sản phẩm chế biến từ sữa sắp được mở cửa chính thức.
Cần tìm hiểu lại thị trườngÔng Nguyễn Quốc Toản lưu ý cần xác định Trung Quốc là thị trường tiềm năng truyền thống nhưng không còn là thị trường dễ tính. Hai chính phủ đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch và đang từng bước đàm phán tháo gỡ các rào cản nên nông dân, DN cần tìm hiểu và sản xuất theo yêu cầu mới của thị trường. |