|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Truy xuất nguồn gốc chặn phù phép hàng hóa

07:56 | 25/08/2018
Chia sẻ
Tại hội thảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi thương mại tổ chức ngày 24-8 ở Hà Nội, nhiều đại biểu khẳng định doanh nghiệp (DN) Việt Nam muốn có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính thì phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.
truy xuat nguon goc chan phu phep hang hoa Công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản của doanh nghiệp Việt chinh phục người Thái
truy xuat nguon goc chan phu phep hang hoa Blockchain giúp tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc cá ngừ
truy xuat nguon goc chan phu phep hang hoa
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thay đổi tư duy quản lý

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết những năm gần đây, các thị trường đã có yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt ở EU, Úc, Mỹ, New Zealand… Do đó, việc triển khai truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ phục vụ cho xuất nhập khẩu mà còn là công cụ quản lý nhà nước.

Theo ông An, từ những mặt hàng nông sản, thực phẩm cho đến quần áo may mặc đều phải được truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ông lấy dẫn chứng về một chiếc áo, nếu truy xuất được thì sẽ biết vải làm từ nguyên liệu gì, vùng nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng không.

"Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là bước thay đổi về tư duy quản lý. Việc thay đổi này thể hiện từ cơ quan nhà nước, DN và cả những người sản xuất. Nông dân cũng phải thay đổi tư duy về thửa ruộng, chuồng trại của nhà mình" - ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ thực hiện tại một số DN, địa phương mà phải thực hiện chung của toàn xã hội. Trước những thực trạng thực phẩm bẩn, nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ kiểm soát được nguồn nguyên liệu từ nơi sản xuất cho đến khi vận chuyển, chế biến và đến tận tay người tiêu dùng bằng một quy trình nghiêm ngặt, khoa học.

Bà Amy Guihot, Tham tán Nông nghiệp - Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại Úc về yêu cầu đối với thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Do vậy, với những DN chế biến thực phẩm, truy xuất nguồn gốc phải xác định được nguồn gốc của tất cả nguyên liệu đầu vào, quy cách đóng gói, tên và địa chỉ của nhà cung cấp, tên và địa chỉ khách hàng, ngày giao dịch và giao hàng, chi tiết lô hàng, khối lượng và số lượng của sản phẩm khi giao hàng.

Chặn tình trạng "phù phép" nông sản

Tại hội thảo, ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, dẫn chứng về tình trạng nông sản Trung Quốc "phù phép" trở thành nông sản Đà Lạt mà Báo Người Lao Động phản ánh mới đây đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng chung đến các sản phẩm cùng loại và mất niềm tin của người tiêu dùng.

Đồng quan điểm, ông Lê Đại Dương, Giám đốc Công ty iShopgo, cho rằng việc lưu hành tràn lan sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc nhưng mang nhãn mác Việt Nam khiến nông sản trong nước rớt giá thảm hại. Do đó, ông Dương kiến nghị cần thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn tình trạng trên, phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm.

Ông Lê Đại Dương nêu thực tế hiện một số DN đã triển khai truy xuất nguồn gốc nhưng chưa đầy đủ, thực chất. Việc truy xuất này chỉ mới có một số thông tin đơn giản, tính trung thực cũng chưa được đánh giá cao. Ông Dương dẫn chứng việc truy xuất nguồn gốc của thịt heo bán ở siêu thị, không chỉ có thông tin được nuôi ở đâu, mổ ngày nào mà cần phải đầy đủ các thông tin như con giống, thức ăn hằng ngày, chuồng trại, quy trình giết mổ, vận chuyển…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định việc triển khai truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Công việc kiểm tra, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái của lực lượng QLTT cũng sẽ đơn giản hơn nhờ công cụ này. "Truy xuất nguồn gốc hàng hóa được triển khai trên diện rộng vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa bảo vệ người tiêu dùng" - ông An nhìn nhận.

Xem thêm

Minh Chiến