Trung Quốc mở thị trường mới theo kiểu Nasdaq, cổ phiếu tăng giá vài lần trong một buổi sáng
Trung Quốc khai trương giao dịch thị trường Star Market sáng 22/7. Ảnh: Bloomberg.
Sáng thứ Hai (22/7), Trung Quốc mở cửa một thị trường chứng khoán mới dành cho 25 doanh nghiệp công nghệ của nước này với tên gọi "Star Market", tương tự như thị trường Nasdaq của Mỹ.
Nhà đầu tư tỏ ra rất hào hứng với thị trường mới này và tất cả 25 cổ phiếu niêm yết đều đồng loạt tăng giá với mức tăng trung bình lên tới 166%. Tuy nhiên về cuối giờ sáng, thị trường đã hạ nhiệt đôi chút và các cổ phiếu không giữ được mức đỉnh.
Thị trường Star market này được coi là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tránh việc để mất các kì lân công nghệ trong tương lai vào tay sàn giao dịch chứng khoán New York hoặc Hong Kong.
Trung Quốc nổi tiếng với các tập đoàn công nghệ tầm cỡ thế giới như Alibaba hay Tencent nhưng các đại gia này đều lựa chọn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, một phần vì các sàn nước ngoài có uy tín hơn và không đặt ra yêu cầu về lợi nhuận.
Các quan chức cấp cao của Trung Quốc đều hết lời ủng hộ Star market khiến nhà đầu tư vô cùng phấn chấn, tới mức các doanh nghiệp huy động được tổng cộng 5,4 tỉ USD – cao hơn 20% so với kế hoạch.
Nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ lớn hơn nguồn cung trung bình 1.800 lần bất chấp việc một số nhà phân tích cho rằng mức định giá hiện quá cao.
Trao đổi với Bloomberg, ông Zhu Junchun, một nhà phân tích của công ty chứng khoán Lianxun Securities nhận định: "Thị trường tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến, có thể là do mức giá IPO tham chiếu được xác định không hợp lí hoặc do hoạt động đầu cơ".
Thị trường mới này cũng sẽ là "bãi tập" cho các cơ quan quản lí sau khi gỡ bỏ qui định về định giá và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên. Đây là lần đầu các qui định này được gỡ bỏ kể từ năm 2014.
Star Market cũng là thị trường đầu tiên của Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp lên sàn dù chưa tạo lợi nhuận và có các cổ phiếu với quyền biểu quyết không ngang nhau.
Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải sẽ xây dựng một chỉ số theo dõi diễn biến của thị trường Star Market khoảng hai tuần sau khi cổ phiếu thứ 30 gia nhập thị trường này.
Tạm ngừng giao dịch khi giảm sâu, tăng sốc
Các cổ phiếu niêm yết trên Star Market không bị hạn chế mức tăng/giảm tối đa trong 5 ngày giao dịch đầu tiên, ở các phiên sau biên độ là +/-20%.
Để tránh mức biến động quá lớn trong 5 ngày đầu tiên, một cổ phiếu sẽ tạm ngừng giao dịch 10 phút nếu giá biến động 30% so với tham chiếu. Sau khi giao dịch trở lại, cổ phiếu sẽ tạm ngừng 10 phút nữa nếu biến động giá chạm ngưỡng 60% so với tham chiếu.
Sáng nay, cổ phiếu của hãng bán dẫn Anji Microelectronics Technology đã hai lần phải tạm ngừng giao dịch vì giá tăng quá "nóng" chạm các ngưỡng 30% và 60% theo qui định trên. Biên độ này rộng hơn so với các mức đang áp dụng ở các thị trường chứng khoán khác của Trung Quốc.
Ngược lại, cổ phiếu Suzhou Harmontronics Automation Technology bị tạm ngừng giao dịch vì có lúc giảm 30% so với tham chiếu. Về sau giá cổ phiếu này hồi phục và tăng 113% so với giá IPO.
Một số công ty khác niêm yết ở Star Market là Tập đoàn đường sắt China Railway Signal & Communication; doanh nghiệp bán dẫn Advanced Micro-Fabrication Equipment (AMFE).
AMFE cũng là cổ phiếu có mức định giá cao nhất thị trường Star Market với P/E 171 lần, trong khi trung bình Star Market là 53 lần và các doanh nghiệp cùng ngành trên các sàn chứng khoán khác của Trung Quốc có P/E chỉ 33 lần. Sáng nay, cổ phiếu này có lúc tăng tới 331%.
Một số nhà đầu tư tỏ ra dè dặt với mức định giá trên trời này. Ông Qu Shaohua – Giám đốc điều hành tại Acroguardian Investment trao đổi với Bloomberg: "Tôi sẽ không tham gia thị trường Star Market trong tương lai gần. Với mức định giá này, thị trường sẽ cần một thời gian dài để điều chỉnh về mức hợp lí".