Thêm cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi, MSCI bị Thượng nghị sĩ Mỹ tra hỏi
Theo bức thư được văn phòng ông Rubio đưa ra vào hôm 13/6, vị Thượng nghị sĩ này yêu cầu MSCI cung cấp các tiêu chí cụ thể (ngoại trừ các tiêu chí đã được công bố trên website) mà hãng dùng để đánh giá và thêm cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số.
Ông Rubio cũng muốn biết MSCI có tìm hiểu những yếu tố như cơ cấu cổ đông, cơ cấu chủ nợ, quan hệ với chính phủ ... của các doanh nghiệp Trung Quốc trước khi thêm vào chỉ số hay không.
Lá thư này là một phần trong kế hoạch của ông Rubio và các chính trị gia Washington khác nhằm xử lí các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện trên thị trường cổ phiếu Mỹ giữa lúc chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang.
Các nhà đầu tư Mỹ có nguy cơ chịu rủi ro bởi các công ty Trung Quốc nếu các công ty này niêm yết cổ phiếu tại Mỹ hoặc được đưa vào các chỉ số tham chiếu lớn.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio từng ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016. Ảnh: CNBC.
MSCI là viết tắt của Morgan Stanley Capital International. Có trụ sở tại New York - Mỹ, MSCI là công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính, và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu để đo lường hiệu quả hoạt động đầu tư.
Nhiều quĩ đầu tư tương hỗ (mutual fund), quĩ hưu trí, quĩ ETF, ... thực hiện hoạt động đầu tư bằng cách mua bán cổ phiếu để mô phỏng biến động của chỉ số do MSCI công bố.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được MSCI xếp hạng là thị trường cận biên và đang nằm trong theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
"Chúng ta không thể để Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ thị trường vốn Mỹ và quốc tế trong khi Trung Quốc luôn trốn tránh nghĩa vụ minh bạch thông tin tài chính cơ bản nhất, từ đó đẩy nhà đầu tư cũng như người hưu trí Mỹ vào rủi ro", ông Rubio viết trong bức thư gửi tới Chủ tịch và CEO của MSCI – ông Henry Fernandez – vào ngày 12/6.
Ông Rubio cũng nêu ra một ví dụ cụ thể gần đây để chứng minh cho lập luận của mình: "Tháng 4 vừa qua, Kangmei Pharmaceutical Co. - một công ty Trung Quốc góp mặt trong một số chỉ số toàn cầu của MSCI, đã thừa nhận thổi phồng khối tiền mặt trị giá lên tới 4,4 tỉ USD".
Reuters đã liên hệ nhưng người phát ngôn của MSCI chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Năm 2017, MSCI cho biết tổ chức này sẽ lần đầu tiên đưa các cổ phiếu niêm yết tại Sàn giao dịch Thượng Hải và Thẩm Quyến vào chỉ số tham chiếu toàn cầu. Động thái này sẽ kéo theo việc hàng tỉ USD chảy vào thị trường cổ phiếu Trung Quốc vì nhiều quĩ đầu tư hoạt động theo phương thức mô phỏng biến động của các chỉ số tham chiếu của MSCI.
Tháng 2 vừa qua, MSCI thông báo sẽ nâng trọng số của cổ phiếu Trung Quốc trong chỉ số thị trường mới nổi lên gấp 4 lần, đồng thời thêm một vài cổ phiếu vốn hóa trung bình.
Khi đó Thượng nghị sĩ Rubio đã nêu lên lo ngại bước đi này sẽ khiến nhà đầu tư Mỹ phải chịu thêm rủi ro vì thực tiễn quản trị công ty yếu kém và tình trạng gian lận tràn lan ở Trung Quốc. Ông cũng đặt câu hỏi tại sao MSCI lại ra quyết định này trong khi Mỹ đang "giao tranh" với Trung Quốc vì các chính sách thương mại có khả năng làm tổn hại nền kinh tế và lao động Mỹ.
"MSCI đang cho những doanh nghiệp mà chính phủ Trung Quốc kiểm soát có quyền tiếp cận nguồn vốn quan trọng và ngụy trang mình trong một vỏ bọc hợp pháp".
MSCI từng dành ra nhiều năm tham khảo ý kiến của các nhà đầu tư trên toàn cầu và đã thành công trong việc yêu cầu thị trường Trung Quốc phải thực hiện nhiều thay đổi quan trọng trước khi các cổ phiếu nước này được thêm vào chỉ số tham chiếu. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy việc MSCI thêm cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số được thực hiện quá muộn và rằng tỉ trọng cổ phiếu Trung Quốc đang quá thấp so với qui mô nền kinh tế nước này.