Giữa căng thẳng thương mại, quĩ đầu tư 100 tỉ USD của Trung Quốc vẫn tìm đến Mỹ
Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, China Universal đang quản lí khối tài sản trị giá khoảng 700 tỉ nhân dân tệ, tương đương 100 tỉ USD, phục vụ khoảng 80 triệu khách hàng. Tập đoàn này quản lí 120 quĩ, trong đó một số quĩ có tỉ suất sinh lời vào hàng cao nhất Trung Quốc.
Muốn đặt chân lên đất Mỹ
Hãng tin Bloomberg dẫn lời Tổng Giám đốc Zhang Hui cho biết China Universal đang có ý định thành lập một công ty con tại Mỹ do tập đoàn này sở hữu 100% nhằm huy động dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện nay China Universal đang đợi các cơ quan quản lí cấp phép.
Theo kế hoạch, hãng này sẽ bán cho nhà đầu tư Mỹ các sản phẩm liên kết với cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc, đồng thời hãng cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu thị trường Mỹ để có thể mua cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán New York – đặc biệt là những cổ phiếu liên quan tới Trung Quốc.
Theo Tổng Giám đốc Zhang Hui, China Universal đặt mục tiêu trở thành một cầu nối cho những nhà đầu tư "không có nguồn lực để tự mình đầu tư vào Trung Quốc".
Một nhà phân tích nhận định: Tình hình căng thẳng thương mại đã gây áp lực buộc các công ty tài chính Trung Quốc phải tăng hiện diện ở nước ngoài và trở thành phương tiện đưa dòng vốn ngoại chảy vào doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc.
Trong khi đó, quyết định quốc tế hóa và mở cửa khu vực tài chính của Trung Quốc có thể giúp các tập đoàn như China Universal có hi vọng được chào đón nồng nhiệt tại Mỹ. Bloomberg đã liên hệ với đại diện của China Universal đề nghị đưa ra bình luận về tác động của căng thẳng thương mại tới việc hãng này đăng kí đầu tư tại Mỹ, tuy nhiên vị đại diện này từ chối vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Theo ông Tom Orlik – Kinh tế trưởng của Bloomberg Economics, khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện tại hội nghị G-20 tuần sau là khá thấp. Còn theo một chuyên gia phân tích của chứng khoán Yuanta, các trở ngại đối với việc mở rộng hoạt động tại Mỹ sẽ chỉ tăng lên nếu đàm phán thương mại với Trung Quốc kéo dài mà không có bước đột phá.
Năm ngoái Ant Financial – công ty con trong lĩnh vực tài chính của Alibaba Group – đã không được Mỹ cấp phép mua lại MoneyGram International. Năm 2017, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết nước này đã hối thúc Mỹ xử lí hồ sơ đăng kí hoạt động tài chính của Tập đoàn China International Capital.
Một chuyên gia của chứng khoán Yuanta nhận định: "Các định chế tài chính của Trung Quốc phải đặt chân ra thị trường nước ngoài. Khu vực sản xuất của Trung Quốc đã chuyển ra nước ngoài và trở thành các doanh nghiệp đa quốc gia. Giờ đây đến lược các định chế tài chính phải cung cấp nguồn vốn cho những doanh nghiệp này thay vì bắt họ phải huy động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong nước".
Lợi suất vượt trội
Quĩ "đầu đàn" Focus Growth Fund của China Universal hiện là một trong số 214 quĩ đầu tư cổ phiếu lớn của Trung Quốc. Số liệu của Bloomberg cho thấy trong 10 năm qua, quĩ này có tỉ suất sinh lời 223%, trong khi chỉ số Shanghai Composite chỉ tăng 26%.
Quĩ China Universal Consumption Industry Fund có tỉ suất sinh lời 233% trong 5 năm qua – cao hơn tất cả đối thủ của mình và mức sinh lời tham chiếu giai đoạn này chỉ 58%.
Quĩ China Universal Advantage Fund từ khi thành lập năm 2005 đến nay có tỉ suất sinh lời lên tới 967%, trong khi chỉ số tham chiếu chỉ tăng 223%.
Tổng Giám đốc Zhang Hui cho biết Tập đoàn của ông hiểu rõ về thị trường Trung Quốc và có thể mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn các đối thủ khác một phần dựa vào những nhà quản lí quĩ có lợi thế "sân nhà".
Các tập đoàn quản lí tài sản lớn của nước ngoài như BlackRock và Vanguard đều đã thành lập công ty con tại Trung Quốc để tăng cường đầu tư vào cổ phiếu của nước này. Tuy nhiên các hãng nhỏ hơn vẫn rất khó tiếp cận thị trường qui mô 14.000 tỉ USD của đất nước đông dân nhất thế giới.
Tổng Giám đốc Zhang nói: "Chúng tôi cũng hi vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ trở thành một nhà đầu tư tầm cỡ tại các thị trường nước ngoài".