|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lỡ lời nói ‘con lợn Trung Quốc’, ngân hàng Thụy Sỹ phải công khai xin lỗi và bị ‘đá văng’ khỏi thương vụ tỉ đô

17:39 | 19/06/2019
Chia sẻ
Sau khi chuyên gia kinh tế trưởng của UBS dùng lời lẽ thiếu tế nhị khi đề cập đến dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc, ngân hàng Thụy Sỹ này đã phải vội vàng xin lỗi. Tuy vậy, UBS vẫn đứng trước nguy cơ "mất cửa làm ăn" tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Paul Donovan là chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng UBS đến từ Thụy Sỹ. Hàng ngày, ông gửi đi một file ghi âm tới khách hàng và cơ quan báo chí với nội dung cập nhật tình hình kinh tế tài chính. 

Mọi chuyện diễn ra êm đẹp cho đến ngày thứ Tư tuần trước khi ông Donovan nói về dịch tả heo châu Phi đang lan tràn tại Trung Quốc, ảnh hưởng tới nguồn cung thịt heo cũng như lạm phát của nước này.

UBS

Ông Paul Donovan - Kinh tế trưởng ngân hàng UBS. Ảnh: Getty Image.

Cụ thể, ông nói: "Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng lên, chủ yếu là do lợn nhiễm bệnh. Chuyện này có quan trọng không? Nó quan trọng nếu bạn là một con lợn Trung Quốc. Nó quan trọng nếu bạn thích ăn thịt lợn ở Trung Quốc. Ngoài ra nó không quan trọng đến các nước khác trên thế giới".

Ông nói thêm: "Trung Quốc không xuất khẩu nhiều thực phẩm. Việc này chỉ có ảnh hưởng toàn cầu nếu lạm phát tại Trung Quốc tác động đến yếu tố chính trị và các chính sách khác".

Việc ông Donovan dùng cụm "con lợn Trung Quốc" ("It matters if you are a China pig") đã lập tức gây ra làn sóng giận giữ lan rộng tại đất nước 1,4 tỉ dân này.

Công khai xin lỗi

Nhiều người dùng mạng xã hội ngay lập tức chỉ trích câu chữ của ông Donovan mang tính miệt thị người Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo lớn của nhà nước Trung Quốc – đăng lên Twitter của mình rằng phát biểu của ông Donovan là rất "ghê tởm và phân biệt chủng tộc", đồng thời nói thêm: "Cộng đồng mạng Trung Quốc yêu cầu UBS phải chính thức xin lỗi".

Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc tại Hong Kong thì "yêu cầu UBS chấm dứt hợp đồng lao động với những nhân sự liên quan và báo cáo kết quả cho công chúng Trung Quốc". Tổ chức này cũng đề nghị "ban lãnh đạo UBS xin lỗi công khai và chính thức, đồng thời đảm bảo rằng những sự việc tương tự sẽ không lặp lại".

Nhiều người nói Tiếng Anh chỉ ra rằng cách dùng từ của ông Donovan là khá bình thường, tuy nhiên khi dịch sang Tiếng Trung, nó lại mang nghĩa xúc phạm nặng nề.

Trong một thông cáo bằng email, UBS nói: "Chúng tôi thành thực xin lỗi về những hiểu lầm xảy ra vì những phát biểu hoàn toàn không có ý xấu của ông Donovan. Chúng tôi đã xóa tệp tin ghi âm lời ông Donovan. Chúng tôi xin khẳng định lại, nội dung của đoạn nhận định này là về lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng đang tăng tại Trung Quốc do giá thịt lợn lên cao".

Bản thân ông Paul Donovan cũng xuất hiện trên kênh Bloomberg TV để thanh minh: "Tôi đã phạm một sai lầm. Tôi đã vô tình sử dụng câu chữ thiếu tế nhị về văn hóa và tôi công khai xin lỗi vì điều này".

UBS sau đó đã cho ông Donovan nghỉ phép và tuyên bố đang xem xét nên làm gì tiếp theo.

Thiệt hại tại thị trường chiến lược Trung Quốc

Công ty chứng khoán Haitong International Securities của Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh với UBS trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính doanh nghiệp và tự doanh. Tuy nhiên người phát ngôn của Haitong không cho biết cụ thể giá trị làm ăn giữa hai bên. Đáng chú ý, Tổng giám đốc của Haitong đồng thời là Chủ tịch của Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc tại Hong Kong.

Thứ Hai đầu tuần (18/6), một trong những nhà đầu tư hạ tầng lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Xây dựng Đường sắt (CRCC) đã ra quyết định loại UBS khỏi thương vụ phát hành trái phiếu trị giá 1 tỉ USD của tập đoàn này vì phát biểu "con lợn Trung Quốc" của kinh tế trưởng Paul Donovan.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và các ngân hàng nước ngoài khác như Citigroup, HSBC vẫn được tham gia vào thương vụ bán trái phiếu của CRCC.

Doanh thu từ phí tư vấn và phát hành của thương vụ này không phải là quá lớn so với UBS, tuy nhiên việc một  doanh nghiệp nhà nước qui mô lớn "xa lánh" UBS là dấu hiệu hết sức đáng ngại, có khả năng ảnh hưởng tới cả mảng ngân hàng đầu tư và quản lí tài sản của ngân hàng Thụy Sỹ này.

UBS có rất nhiều thứ để mất. Ngân hàng này đã hiện diện tại Trung Quốc từ lâu, lâu hơn nhiều so với nhiều đối thủ phương Tây. UBS cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được phép sở hữu đa số cổ phần trong một công ty chứng khoán liên doanh tại Trung Quốc sau khi nước này nới lỏng qui định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài.

Nhiều tổ chức quản lí tài sản phục vụ giới thượng lưu Trung Quốc bằng cách hoạt động tại các trung tâm tài chính bên ngoài đại lục như Singapore hay Hong Kong, tuy nhiên khối tài sản trong nước khổng lồ ước tính khoảng 20.000 tỉ USD là một miếng mồi không thể bỏ qua đối với ngành tài chính quốc tế.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.