Nếu Trump mở rộng áp thuế, Trung Quốc sẽ để Nhân dân tệ sẽ vượt lằn ranh đỏ?
Khi ông Donald Trump lớn tiếng rằng một đồng Nhân dân tệ suy yếu đã vô hiệu hóa một số tác động việc trừng phạt thuế quan đối với Trung Quốc, có lẽ vô tình, ông đã nhấn mạnh một lỗ hổng quan trọng trong công cụ chính sách đối ngoại của ông: Trong thời đại tỷ giá hối đoái thả nổi tự do, tiền tệ điều chỉnh nhanh đến mức chúng có thể bù đắp tác động tiềm năng của các động thái áp thuế quan, ngay cả trước khi chúng được hiện thực hóa.
Đó là một sự thật không mấy dễ chịu cho nước Mỹ trong cuộc chiến thương mại leo thang với một siêu cường kinh tế khác, và điều có thể làm phức tạp các nỗ lực của Tổng thống Mỹ trong việc sử dụng thuế quan để gây áp lực cho các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Sau khi ông Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng trước, đồng Nhân dân tệ nhanh chóng suy yếu, và hướng đến mức 7 tệ đôi 1 USD, một mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Sự suy yếu này làm giảm giá hàng nhập khẩu của Trung Quốc tính bằng USD và đã giảm nhẹ cú sốc chi phí của việc áp thuế quan cao hơn. (Điều tương tự cũng xảy ra với đồng Peso sau khi ông Trump đưa ra lời đe dọa tương tự chống lại Mexico vào cuối tháng 5; đồng peso đã giảm hơn 2% trong chưa đầy một giờ). Vì vậy, với những lời đe dọa của ông Trump về việc trừng phạt Trung Quốc về những gì ông coi là hành vi buôn bán không công bằng, người Mỹ có thể không thấy bất kỳ tác động có ý nghĩa nào đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Ảnh: Investing.com
“Điều này minh chứng cho những trở ngại trong việc cố gắng sử dụng thuế quan để giảm thâm hụt thương mại trong một thế giới toàn cầu hóa”, ông Brad Setser, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Tất nhiên, đồng Nhân dân tệ không được thả nổi nhiều như hầu hết các đồng tiện chủ chốt trên thị trường ngoại hối toàn cầu do giới hạn biên độ tỷ giá mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đặt ra. Nhưng dựa trên tính toán của Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng của Viện Tài chính Quốc tế và là người đứng đầu chiến lược FX tại Goldman Sachs, mức suy yếu của Nhân dân tệ từ 6,4 tệ đến 6,9 tệ đổi một USD kể từ mùa hè năm ngoái gần như “bù đắp được” tác động của hai vòng áp thuế quan đầu tiên của Mỹ, được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2018.
Những điều chỉnh ngoại hối này là một trong nhiều lý do mà các nhà kinh tế thường không đánh giá cao việc áp thuế quan. Chúng không chỉ kích hoạt các tranh chấp trả đũa trả đũa làm suy yếu niềm tin kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, mà những người chịu các phần lớn các chi phí phát sinh [từ việc áp thuế quan] lại chính là người tiêu dùng ở các quốc gia áp đặt chúng.
Và trong khi Trump đã khẳng định rằng Mỹ đang kiếm được rất nhiều tiền từ Trung Quốc do việc áp thuế quan, thì thực tế lại không rõ ràng. Các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có thể chịu mức chi phí bổ sung và trả cho chính phủ thêm 25%; hoặc chuyển cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá.
“Chính nước Mỹ đã phải trả phần thuế quan mà Mỹ đã áp lên Trung Quốc”, hai chuyên gia kinh tế Vicky Redwood và Simon Mac Adam của Capital Economic, đã viết trong một ghi chú trong tháng này.
Tỷ giá đã trở thành một tâm điểm trong các cuộc đàm phán thương mại. Vào ngày 14/6, ông Trump một lần nữa khẳng định rằng Trung Quốc đang thao túng tiền tệ. Chính quyền Trump đã đề xuất đánh thuế lên hàng hóa từ các quốc gia có đồng tiền bị định giá thấp vào tháng trước, một đề xuất được cho là để báo động cho chính các quan chức của Bộ Tài chính. Mỹ cũng đang muốn tìm kiếm một một hiệp ước nhằm ổn định đồng Nhân dân tệ như là một phần của thỏa thuận cuối cùng với Trung Quốc, Bloomberg trích dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc dường như đang thể hiện sự kiềm chế sau khi ông Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc trong tuần này và giữ cho đồng Nhân dân tệ không mất giá nhanh hơn nữa. Ông Brooks ước tính rằng giá trị hợp lý của đồng Nhân dân tệ là gần 7,3 tệ đổi 1 USD, so với mức 6,93 trong hiện tại.
Và trong khi PBOC thường xuyên can thiệp để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ bất cứ khi nào nó nhích gần đến mức 7 tệ đổi 1 USD trong quá khứ, hiện nay có dấu hiệu cho thấy lập trường PBOC có thể thay đổi nếu căng thẳng thương mại diễn biến xấu đi. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Bloomberg News trong tháng này, ông Dịch Cương, thống đốc PBOC, đã báo hiệu cơ quan này sẵn sàng để cho các thị trường phản ánh giá trị của đồng Nhân dân tệ.
“Thêm một chút linh hoạt cho đồng Nhân dân tệ là tốt cho nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu, bởi vì nó cung cấp một bộ ổn định tự động”, ông nói.
Tất nhiên, để đồng Nhân dân tệ giảm giá như như mức cân bằng mà giới phân tích nêu ra thì không phải là không có rủi ro riêng. Sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ vào năm 2015 đã khiến hàng tỷ USD rút khỏi Trung Quốc và làm tiêu hao dự trự ngoại hối của PBOC, hiện đang đứng ở mức 3,1 nghìn tỷ USD, để ngăn chặn dòng vốn tháo chạy. Hơn nữa, một đồng nội tệ yếu hơn sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Trump có thể buộc Trung Quốc phải ra tay. “Ông Trump đang giả định rằng Trung Quốc sẽ không làm yếu đồng Nhân dân tệ để đáp trả việc áp thuế của Mỹ”, ông Setser nói. Tuy nhiên, “quyết định là của Trung Quốc, không phải Trump”.