|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc mở cửa biên giới càng chậm, cái giá phải trả càng đắt

12:20 | 14/12/2022
Chia sẻ
Một khi Trung Quốc mở cửa biên giới, dòng vốn có thể sẽ theo đó tháo chạy ra ngoài và gây rắc rối cho nền kinh tế. Nhưng nếu nước này tiếp tục đóng cửa, có nguy cơ động cơ tăng trưởng chính là xuất khẩu sẽ bị đè bẹp.

Nhân viên y tế Trung Quốc phun thuốc diệt khuẩn. (Ảnh: Getty Images). 

Đại dịch COVID-19 đã giúp các nhà chức trách Trung Quốc giữ chặt dòng vốn trong nước. Trong bối cảnh Bắc Kinh được dự đoán sẽ sớm mở cửa toàn bộ nền kinh tế, dòng vốn có thể sẽ chảy ra ngoài và trở thành cơn đau đầu mới của chính quyền trung ương.

Theo tờ Reuters, Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và mỗi người dân chỉ được phép chuyển tối đa 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm.

Tuy nhiên, trong năm 2019, du khách Trung Quốc vẫn tiêu xài đến 255 tỷ USD ở nước ngoài, tạo ra doanh thu đáng kể cho các khách sạn ở Thái Lan và thúc đẩy doanh số bán túi xách hàng hiệu ở Paris.

Dưới các lệnh phong toả và kiểm dịch hà khắc trong vòng ba năm qua, Trung Quốc đã tiết kiệm được khoảng 765 tỷ USD. 

Đại dịch đã trở thành rào cản có lợi cho Trung Quốc. Các quy định cách ly và kiểm soát hộ chiếu nghiêm ngặt làm nhụt chí những người muốn ra nước ngoài. Lượng học sinh Trung Quốc nhập học ở Mỹ trong năm 2022 chỉ vào khoảng 290.000 người, giảm 22% so với mức kỷ lục hai năm trước đó.

Dòng vốn ở yên trong nước cộng với ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ đã giúp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc phình to. Tính đến cuối năm 2021, dự trữ ngoại hối của nước này đã leo lên mức cao nhất trong vòng 5 năm và từ đó đến nay vẫn duy trì trên mốc 3.000 tỷ USD.

Nhiều khả năng người Trung Quốc sẽ lại mạnh tay vung tiền một khi được phép ra nước ngoài. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ thấy tiếc những lợi ích có được từ việc đóng chặt biên giới.

Nền kinh tế thứ hai thế giới đang chững lại và đồng nhân dân tệ gặp áp lực bởi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tình cảnh này gợi lại những ký ức khó chịu về năm 2015 và 2016, khi Bắc Kinh tiêu tốn tới 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ.

Ngoài mua sắm hay du học, người Trung Quốc có thể vẫn còn một động lực khác để chuyển tiền ra nước ngoài.

Sự gia tăng của các văn phòng quản lý tài sản gia đình dành cho người Trung Quốc ở Singapore cho thấy giới siêu giàu đang tìm cách đem tiền ra nước ngoài trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy chiến dịch “thịnh vượng chung”.

Công ty tư vấn di cư Henley & Partners dự báo rằng khoảng 10.000 cá nhân có giá trị tài sản ròng cao của Trung Quốc sẽ rời khỏi nước trong năm nay.

Những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể có mong muốn tương tự sau khi sống dưới các hạn chế COVID nghiêm ngặt suốt ba năm.

Song, nếu Trung Quốc tiếp tục đóng chặt cánh cửa với nước ngoài, cái giá phải trả sẽ còn đắt hơn nhiều so với lo ngại dòng vốn tháo chạy. 

Hoạt động xuất khẩu - một trong những điểm sáng cuối cùng của nền kinh tế Trung Quốc – đang bị đe dọa bởi sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sụt 8,7% trong tháng 11 so với một năm trước, giảm mạnh hơn dự kiến.

Cho phép doanh nghiệp nội địa gặp gỡ khách hàng nước ngoài là một trong những cách đơn giản nhất để ngăn "động cơ" xuất khẩu bị đè bẹp bởi các căng thẳng địa chính trị.

Nhiều chính quyền địa phương hiện lo lắng rằng nguồn vốn của các công ty quốc tế vào Trung Quốc đang sụt giảm. Họ vội vã tổ chức các chuyến công tác ra nước ngoài để khôi phục lòng tin của doanh nghiệp ngoại. Trung Quốc càng chậm trễ trong việc mở cửa hoàn toàn biên giới, cái giá nước này phải trả càng lớn.

Giang