|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc mất vị thế thị trường nhập khẩu nông sản Việt lớn nhất

22:30 | 27/08/2019
Chia sẻ
Trung Quốc nhiều năm liền là thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam lớn nhất. Tuy nhiên việc kiểm soát chặt tiểu ngạch và hàng rào kĩ thuật tại nước này trong năm nay khiến nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh.

Theo số liệu mới đây của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 26,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 8 đạt 3,6 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 7.

Trong đó có 8 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD tính từ đầu năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngành đã thay đổi nhẹ khi nhóm nông sản chính giảm 5%, nhóm lâm sản chính tăng 3,8% và thủy sản giảm 0,5%.

Trung Quốc mất vị thế thị trường nhập khẩu nông sản Việt lớn nhất - Ảnh 1.

Nhóm lâm sản chính tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018, nhóm thủy sản giảm 1,2%.

Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước như cao su đạt 1,3 tỷ USD, tăng 8%; chè đạt 150 triệu USD, tăng 23%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,7 tỷ USD, tăng 18%; quế đạt 107 triệu USD, tăng 19%; mây tre, cói đạt 311 triệu USD, tăng 48%.

Về thị trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc 7 tháng đạt 4,7 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018.

Nguyên nhân do Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát hoạt động buôn bán tiểu ngạch và an toàn thực phẩm. 

Ngoài ra, thời gian gần đây, đồng nhân tệ bị phá giá cũng đã tác động làm suy giảm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Hành động phá giá đồng tiền khiến Trung Quốc gia tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.

Theo đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, đạt 4,8 tỷ USD, tăng mạnh 13%, chiếm tỉ trọng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn Trung Quốc 0,1 điểm phần trăm); tiếp đến là EU chiếm 12%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%.

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 20,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2019, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018, riêng tháng 8 đạt 2,4%, giảm 9% so với tháng 7.

Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 2,0% so với cùng kỳ.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện 7 tháng xuất siêu 4,8 tỷ USD; tháng 8 ước xuất siêu 1,2 triệu USD. Tính chung 8 tháng ước xuất siêu 6 tỷ USD (cao hơn 0,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước).

Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện tại, đây là mục tiêu được giới chuyên gia nhận định sẽ khó đạt được.

Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng đưa ra các tiêu chí khắt khe đối với hàng nhập khẩu, do đó, nếu không thay đổi cách làm thì xuất khẩu sang thị trường này vẫn khó cải thiện.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở mới các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Thêm nữa, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu; đẩy mạnh công tác giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc.

Tại Diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 5, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam theo thứ tự ưu tiên: sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi và sản phẩm tổ yến qua kênh thương mại.

Đối với các sản phẩm thủy sản, Việt Nam tiếp tục đề nghị Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ. Đây sẽ là các sản phẩm tiềm năng mà thị trường Trung Quốc đang có nhu cầu cao.

Hạ Vũ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.