|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc kiểm dịch gắt gao, các hãng tàu từ chối nhận đơn

09:28 | 01/12/2021
Chia sẻ
Do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh, các hãng khai thác tàu trung chuyển quốc tế đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần cho đến sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Động thái này có thể khiến chuỗi cung ứng thêm đứt đoạn.

Chính sách kiểm dịch hà khắc

Hiện tại, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới vẫn áp dụng chiến lược "Zero COVID". Do đó, các chính sách phòng chống dịch bệnh của Bắc Kinh đang trở nên nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.

Theo quy định, thủy thủ đoàn trên các tàu biển nước ngoài phải cách ly ít nhất 21 ngày sau khi xuống tàu ở các cảng phía bắc Trung Quốc và 14 ngày tại các cảng phía nam. Một số nguồn tin cho biết nhiều cảng ở Trung Quốc thậm chí còn cấm thủy thủ đoàn xuống tàu.

Chưa kể, các thuyền viên Trung Quốc cập cảng ở nước ngoài phải cách ly hai đến ba tuần trước khi quay trở lại quê nhà. Một khi về đến Trung Quốc, họ lại phải cách ly ít nhất hai tuần tại khách sạn, tùy thuộc vào quy định của chính quyền từng địa phương.

Thời gian cách ly kéo dài đối với thủy thủ đoàn ngày càng khiến các công ty vận tải biển bức xúc, đặc biệt là khi ngành này còn đang phải vận lộn với những khó khăn như tắc nghẽn cảng biển và thiếu lao động trên toàn cầu.

Hệ quả khi Trung Quốc kiểm dịch gắt gao: Các hãng tàu từ chối nhận khách, nguy cơ thiếu hàng hóa trong Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Chính sách kiểm dịch của Bắc Kinh đang khiến các hãng khai thác tàu biển bất bình. (Ảnh: Martin Chan).

Các hãng tàu phải từ chối khách hàng

SCMP dẫn lời các nguồn thạo tin cho hay, do các biện pháp kiểm dịch của Bắc Kinh, các hãng khai thác tàu trung chuyển tại một số cảng ở miền nam Trung Quốc đã quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng dịch vụ thêm ít nhất 6 tuần qua kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Tàu trung chuyển là các tàu cỡ trung, giúp vận chuyển container hàng hóa giữa các cảng nhỏ và bến cảng chính, sau đó container sẽ được xếp lên các tàu lớn hơn và đưa đến điểm tiêu thụ.

Các "đại gia" trong ngành như Ocean Network Express, Hapag-Lloyd và Evergreen đã thông báo với khách hàng rằng họ sẽ tạm ngừng tiếp nhận container đi đến các cảng nhỏ ở đồng bằng sông Châu Giang và tỉnh Phúc Kiến.

Cuối tuần trước, Hapag-Lloyd cho biết: "Quyết định mới của chúng tôi bắt nguồn từ các yêu cầu kiểm dịch COVID-19 của chính quyền Bắc Kinh đối với thủy thủ đoàn qua lại giữa miền nam Trung Quốc và Hong Kong..."

Trước khi đại dịch bùng phát, các hãng tàu trung chuyển thường tạm ngừng dịch vụ trong kì nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng chỉ trong hai đến ba tuần. 

Ông Lars Jensen, CEO của công ty tư vấn vận tải container Vespucci Maritime, nhận định: "Chính sách kiểm dịch của Bắc Kinh không ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa đi hoặc đến từ các cảng biển nước sâu lớn, nhưng có thể làm phát sinh một số phản ứng dây chuyền".

"Lượng container hàng hóa đến hoặc đi từ các cảng nhỏ hơn có thể tăng cao và sớm hơn thường lệ", ông Jensen dự đoán.

Chia sẻ với SCMP, ông Akhil Nair, Phó Chủ tịch cấp cao tại hãng vận tải biển Seko Logistics, cho biết quyết định của các công ty tàu trung chuyển dường như là nhằm tránh việc hàng nhập khẩu dồn ứ tại các cảng lớn của Trung Quốc.

Ông Nair lập luận: "Tôi nghĩ họ không muốn hàng hóa đến trong Tết Nguyên đán, vì tất cả sẽ bị dồn lại ở các cảng trung chuyển. Thêm nữa, thời gian còn trống chỗ tại các cảng lớn đang giảm dần, đồng nghĩa rằng hàng hóa có thể ùn ứ khi các hãng khai thác tàu trung chuyển nhận thêm đơn hàng. Do đó, tôi cho rằng đây là một bước đi thận trọng của họ".

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc các công ty khai thác tàu trung chuyển tạm ngừng dịch vụ kéo dài nhiều tuần có thể gây áp lực lên vận tải đường bộ ở miền nam Trung Quốc.

"Tôi cho rằng, hoạt động vận tải đường bộ có thể chịu ảnh hưởng, dòng chảy hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán có nguy cơ bị tắc nghẽn vì doanh nghiệp sẽ tìm cách đẩy lượng hàng bị các hãng tàu từ chối sang xe tải đường bộ", Phó Chủ tịch của Seko Logistics lưu ý.

Khả Nhân