|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc hối thúc Mỹ dừng hành động gây tổn hại cho quan hệ 2 nước

22:30 | 16/05/2019
Chia sẻ
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hối thúc Mỹ “dừng các hành động không đúng nhằm tránh gây thêm tổn hại cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung”.
Trung Quốc hối thúc Mỹ dừng hành động gây tổn hại cho quan hệ 2 nước - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trung Quốc ngày 16/5 kêu gọi Mỹ dừng lạm dụng các vấn đề an ninh quốc gia, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/5 ký sắc lệnh hành pháp tuyên bố trình trạng khẩn cấp quốc gia, trong đó cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị viễn thông nước ngoài mà Washington cho là tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia cũng như an ninh và an toàn của người dân Mỹ.

Phát biểu tại họp báo ngày 16/5, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hối thúc Mỹ “dừng các hành động không đúng nhằm tránh gây thêm tổn hại cho các mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung”.

Ông Cao Phong nhấn mạnh Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố không nên lạm dụng các vấn đề an ninh quốc gia, và rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào đưa ra hành động đơn phương chống lại thực thể của Trung Quốc theo quy định của nước này.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp “nhằm quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các công ty Trung Quốc".

Chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ" các công ty của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích động thái của Mỹ là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu", sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh yêu cầu Huawei phải nhận được sự cho phép của chính phủ để thực hiện hoạt động mua sắm.

Ông Lục Khảng nói: "Chúng tôi hối thúc Mỹ ngừng cách tiếp cận sai lầm này. Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".

Mặc dù ông Lục Khảng không nêu chi tiết các biện pháp này, song giới phân tích đã cảnh báo việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ làm cho bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách Thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.

Tập đoàn Huawei đã ra tuyên bố khẳng định "các hạn chế vô lý" của Mỹ đã xâm phạm các quyền của tập đoàn này. Tuyên bố nhấn mạnh: "Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn".

Trong khi đó, theo ông Kevin Wolf – cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ, phụ trách xuất khẩu, Huawei sẽ là doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay là đối tượng bị áp đặt các biện pháp kiểm soát của Mỹ. Điều này được dự báo sẽ tác động đến toàn bộ mạng lưới viễn thông toàn cầu.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo về mối nguy hiểm của "một cuộc chiến công nghệ hay một cuộc chiến thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc khi mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng liên quan đến Huawei.

Tổng thống Pháp khẳng định việc khởi động một cuộc chiến công nghệ hay một cuộc chiến thương mại với bất cứ một quốc gia nào không phải là cách tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia, cũng không phải cách tốt nhất để phát triển hệ sinh thái riêng cũng như có được sự hợp tác rộng rãi và làm giảm căng thẳng.

Trong khi đó, cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Dearlove cho rằng Chính phủ Anh cần cân nhắc lại quyết định cho phép tập đoàn Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G.

Mỹ và Trung Quốc hiện rơi lại vào vòng xoáy đối đầu trong cuộc chiến thuế quan chưa có hồi kết. Quyết định của Tổng thống Mỹ áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 10/5, đồng thời Washington đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Phía Trung Quốc "trả đũa" Mỹ với tuyên bố sẽ áp thuế lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Trung Quốc ngày 16/5 thông báo nước này chưa có thông tin về kế hoạch phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh nhằm tiếp tục các cuộc thảo luận thương mại. Phát biểu tại Washington ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết khả năng ông sẽ tới Bắc Kinh trong “tương lai gần” nhằm tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại, theo một số báo cáo truyền thông.

K.Dung (Tổng hợp)