|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc gọi 'Mạng lưới sạch' của Mỹ là một kế hoạch bẩn

15:53 | 27/08/2020
Chia sẻ
Tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc lập luận, dưới cái cớ an ninh quốc gia và bảo mật dữ liệu, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề xuất kế hoạch "Mạng lưới sạch" nhằm buộc các nước thành lập liên minh "quốc gia sạch" để chống lại các công ty công nghệ cao của Trung Quốc.

Trung Quốc: Mạng lưới của Mỹ không hề sạch

"Kế hoạch 'Mạng lưới sạch' mang tính bá quyền của Mỹ không chỉ làm suy yếu tính công bằng của các qui tắc thương mại quốc tế mà còn làm tổn hại đến môi trường kinh doanh và đáng bị dư luận toàn cầu lên án", tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - nhận định.

Hãng tin Trung Quốc: 'Mạng lưới sạch' của Mỹ hoàn toàn là một kế hoạch bẩn - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là người đi đầu trong kế hoạch Mạng lưới sạch. (Ảnh: Reuters)

Đối mặt với cuộc chiến công nghệ mà Washington liên tục leo thang, Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc. Ở chương trình Mạng lưới sạch, Nhân dân Nhật báo nhận định Mỹ phải tự làm sạch hệ thống mạng trong nước trước tiên.

Theo Wall Street Journal, một công ty Mỹ có quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo và quân đội Mỹ đã thu thập dữ liệu vị trí từ hơn 500 ứng dụng sở hữu hàng trăm triệu người dùng. Rõ ràng, ngày càng có nhiều công ty thực hiện động thái tương tự.

Các vụ bê bối an ninh mạng liên quan đến cựu nhân viên NSA Edward Snowden, WikiLeaks, hệ thống do thám PRISM và nhóm tin tặc Equation Group là bằng chứng cho thấy Mỹ là nguồn tấn công mạng lớn nhất và cũng là mối đe dọa nguy hiểm nhất với an ninh mạng toàn cầu, Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh.

Do lo ngại về sự "giám sát" của chính phủ Mỹ, Tòa án Công lí của Liên minh châu Âu (ECJ) đã tuyên bố vô hiệu hóa khung Bảo vệ Quyền riêng tư EU - Mỹ.

ECJ nhấn mạnh rằng luật pháp Mỹ đặt lợi ích an ninh quốc gia và thực thi pháp luật lên trên quyền riêng tư cá nhân nên Mỹ không thể đảm bảo mức độ bảo vệ quyền riêng tư theo yêu cầu của Qui định chung về Bảo vệ Dữ liệu do EU ban hành.

Mạng Internet "sạch" không có Trung Quốc

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ William Barr gần đây đã làm lộ âm mưu của Mỹ với Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo cho hay.

"Kể từ thế kỉ 19, Mỹ luôn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ và đổi mới. Chính sức mạnh công nghệ khiến đất nước chúng ta trở nên thịnh vượng và an toàn", Bộ trưởng Barr nói.

"Mức sống, cơ hội kinh tế ngày càng mở rộng cho người trẻ và các thế hệ tương lai, cũng như an ninh quốc gia Mỹ đều phụ thuộc vào vị thế công nghệ hàng đầu của chúng ta", ông Barr nói tiếp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ còn cảnh báo, sức mạnh công nghệ hiện tại của Trung Quốc đặt ra thách thức lớn chưa từng có đối với Mỹ.

Hãng tin Trung Quốc: 'Mạng lưới sạch' của Mỹ hoàn toàn là một kế hoạch bẩn - Ảnh 3.

Mô hình "Mạng lưới Sạch" của Ngoại trưởng Mike Pompeo. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Thông qua đề xuất xây dựng liên minh "các quốc gia sạch", Mỹ đang muốn loại bỏ Trung Quốc.

Tờ Nhân dân Nhật báo lập luận, Mỹ không thể chấp nhận thực tế là các công ty công nghệ cao của Trung Quốc đang dần thống trị ngành này, do đó Washington đang thử mọi cách để kiềm chế các doanh nghiệp đó nhằm duy trì thế độc tôn trong lĩnh vực công nghệ và tước đi quyền phát triển hợp pháp của các nước khác.

Ai chỉ trích Mỹ?

Nhân dân Nhật báo viết, chương trình Mạng lưới sạch của các chính trị gia Mỹ là một kế hoạch bẩn, thể hiện rõ tham vọng bá quyền của Mỹ và bị cộng đồng quốc tế lên án.

Trang web The Intercept cho hay: "Bộ Ngoại giao Mỹ đang có tầm nhìn mới về một mạng Internet 'sạch', hay một mạng Internet không có Trung Quốc". Truyền thông Nga cũng chỉ trích Mỹ đang thực hiện một hành vi xấu và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho thế giới.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói thẳng rằng hành động của chính phủ Mỹ đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường tự do và vi phạm qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bà Zakharova nói thêm, Nga hi vọng các cơ quan quốc tế chuyên biệt và các tổ chức nhân quyền sẽ đưa ra phản ứng thích hợp cũng như đánh giá khách quan về hành động của chính phủ Mỹ.

Kế hoạch của Mỹ cũng vấp phải sự chỉ trích và nghi ngờ từ các doanh nghiệp và học giả trong nước khi mà họ tin rằng Mạng lưới sạch cuối cùng sẽ khiến Mỹ tự gây tổn hại cho chính mình.

Hơn 10 công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, Ford, Walmart và Disney đã bày tỏ lo ngại về lệnh hành pháp cấm WeChat của Nhà Trắng. Họ cho rằng lệnh này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giáo sư James Rae của Đại học Bang California lập luận, chương trình Mạng lưới sạch là một hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đồng thời còn làm suy yếu khả năng cạnh tranh cũng như phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Nhân dân Nhật báo kết luận, các chính trị gia Mỹ đứng sau Mạng lưới sạch sẽ không bao giờ có thể đưa nước Mỹ trở lại thời kì huy hoàng trong quá khứ và đi ngược lại lịch sử chỉ khiến Mỹ tự làm tổn hại hình ảnh của mình cũng như làm mất lòng tin của nước khác.

Yên Khê