|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025

16:45 | 26/11/2020
Chia sẻ
Theo một báo cáo mới đây của Bain&Co., thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đã tăng 45%, đạt 52,21 tỉ USD trong năm 2020 bất chấp đại dịch COVID-19. Dự kiến tới năm 2025, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tổng chi tiêu xa xỉ.

Thị trường xa xỉ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh bất chấp COVID-19

Trong năm 2020, khi thị trường hàng xa xỉ trên toàn cầu giảm đáng kể thì thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn tăng trưởng, do những người giàu có lại tiếp tục tăng cường mua sắm đồ trang sức, đồ da và rượu trong dịch COVID-19, theo CNBC.

Trong lịch sử, các thị trường xa xỉ ở Châu Âu và Mỹ đã được thúc đẩy bởi du lịch quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Trung Quốc. Nhưng báo cáo mới của Bain&Co. dự đoán người tiêu dùng giàu có Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn tại thị trường nội địa trong những năm tới.

Bà Federica Levato, một đối tác tại ngành hàng xa xỉ của Bain, cho biết thị trường (hàng xa xỉ) về cơ bản đã "đóng cửa" bởi vì lệnh phong toả trong đại dịch, người dân hầu như không đi du lịch.

"Kết quả là: Tiêu thụ hàng xa xỉ trong nước đã bùng nổ ở Trung Quốc", bà Levato nói.

Trung Quốc dự kiến sẽ trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025 - Ảnh 1.

Thị trường hàng xa xỉ giảm sút trên toàn cầu trừ Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Người tiêu dùng Trung Quốc đã là một lực lượng nổi tiếng trong ngành, chiếm một phần ba chi tiêu xa xỉ vào năm ngoái, theo Bain&Co. Thị trường xa xỉ của nước này đã tăng 45%, đạt 52,21 tỉ USD trong năm 2020.

Báo cáo của công ty này cũng cho biết Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ là khu vực duy nhất báo cáo tăng trưởng so với cùng kì năm trước. 

Trong khi đó, Bain&Co ước tính doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân sẽ giảm 23%, đạt 257,47 tỉ USD, đây là mức giảm hàng năm lớn nhất từng được ghi nhận bởi tổ chức này.

Thị trường xa xỉ tổng thể, bao gồm các mặt hàng và trải nghiệm xa xỉ như máy bay phản lực tư nhân, du thuyền và rượu ngon, cũng được dự báo sẽ thu hẹp với tốc độ tương tự. Theo báo cáo, thị trường này được ước tính có giá trị khoảng 1.190 tỉ USD.

Ở châu Mỹ, người tiêu dùng không thể bù đắp doanh thu bị mất từ khách du lịch toàn cầu và các chuỗi cửa hàng bách hóa đang gặp khó khăn. Doanh thu trong khu vực dự kiến sẽ giảm 27% còn 73,56 tỉ USD trong năm nay.

Một số nhà điều hành cửa hàng bách hóa Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong năm nay, bao gồm các chuỗi cửa hàng cao cấp Neiman Marcus và Lord & Taylor. 

Tái thiết thị phần trong thị trường xa xỉ

Bain&Co kì vọng doanh số mua sắm hàng xa xỉ sẽ được phục hồi với tốc độ khác nhau tại mỗi khu vực sau các mùa lễ hội mua sắm cuối năm. 

Công ty dự kiến Trung Quốc sẽ phục hồi với tốc độ tối đa, trong khi thị trường châu Á nói chung vẫn đang trong chế độ "phục hồi". Châu Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục "ì ạch", trong khi Châu Âu vật lộn với các đợt đóng cửa liên quan đến đại dịch mới. 

Điều này một phần sẽ giúp thị trường xa xỉ của Trung Quốc vượt qua Châu Âu và Châu Mỹ vào năm 2025, khi người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa tổng chi tiêu xa xỉ, theo Bain.

"Sẽ có sự tái cân bằng giữa các khu vực địa lí khác nhau, điều này sẽ tác động lớn đến hệ sinh thái phân phối và qui mô mạng lưới phân phối của các thương hiệu [xa xỉ] ở những khu vực này", bà Levato nói.

Bain kì vọng thị trường xa xỉ toàn cầu sẽ quay trở lại mức năm 2019 vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng doanh số bán hàng online và sức mạnh ở Trung Quốc.

Bain cho biết mua sắm trực tuyến cho hàng xa xỉ đã tăng gấp đôi, chiếm 23% tổng số lượt mua vào năm 2020, từ 12% vào năm 2019. Công ty kì vọng thương mại điện tử sẽ là kênh chi tiêu hàng xa xỉ lớn nhất trên toàn cầu vào năm 2025.

Công ty tư vấn dự đoán thị trường xa xỉ sẽ tăng trưởng từ 10% đến 19% trong năm tới, tùy thuộc vào đại dịch, việc phân phối vắc xin hiệu quả và mức độ sẵn sàng quay trở lại du lịch của người tiêu dùng.

Bà Levato nói: "Các thương hiệu xa xỉ đã phải đối mặt với một năm thay đổi to lớn, nhưng chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp này sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng với mục đích và sự năng động hơn bao giờ hết".

Diệp Bình