|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh doanh bết bát ở Mỹ, châu Âu, các thương hiệu xa xỉ tăng giá ở châu Á để bù lỗ

00:11 | 12/09/2020
Chia sẻ
Bất chấp những mối lo ngại đối với COVID-19, người dân vẫn tạo thành những hàng dài trước những siêu thị hàng xa xỉ, thậm chí sau khi các thương hiệu thời trang cao cấp công bố mức tăng giá đối với những sản phẩm của họ.

Hồi tháng 3, khi đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn đầu, hãng tư vấn Bain & Company (Mỹ) tuyên bố trong báo cáo mang tên "Cập nhật nghiên cứu hàng xa xỉ mùa xuân năm 2020" rằng có khả năng ngành sẽ đối mặt với sự suy giảm doanh số toàn cầu từ 20% tới 35% trong năm nay.

Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy sự trái ngược ở Trung Quốc, thị trường quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp hàng xa xỉ, và Hàn Quốc, một nơi thử nghiệm của thị trường châu Á, Korea Times đưa tin.

Bất chấp những mối lo ngại đối với COVID-19, người dân vẫn tạo thành những hàng dài trước những siêu thị hàng xa xỉ, thậm chí sau khi các thương hiệu thời trang cao cấp công bố mức tăng giá đối với những sản phẩm của họ.

Kinh doanh bết bát ở Mỹ, châu Âu, các thương hiệu xa xỉ tăng giá ở châu Á để bù lỗ - Ảnh 1.

Người dân Hàn Quốc mua sản phẩm trong một cửa hàng Chanel ở thành phố Seoul. Ảnh: Korea Times

Khi dư luận đồn đại hãng thời trang Chanel (Pháp) sắp tăng giá, người dân đổ xô tới cửa hàng của Chanel, đợi trong hàng dài trước khi các siêu thị bách hóa mở cửa để có cơ hội mua những túi Chanel và giày trước khi giá tăng.

Ở Trung Quốc, Hermes, một thương hiệu thời trang xa xỉ khác của Pháp, lập kỉ lục về doanh số ở mức 2,7 triệu USD chỉ trong ngày 11/4.

Sự đam mê đối với hàng cao cấp vẫn tiếp diễn ở Hàn Quốc, và các thương hiệu thời trang xa xỉ khác cũng thể hiện những dấu hiệu cho thấy khả năng tăng giá trong tương lai.

Sau sự tăng giá của Louis Vuitton - hai lần trong nửa đầu năm nay - Chanel và Christian Dior nhanh chóng "noi gương" bằng việc tăng giá với tỉ lệ cao lần lượt vào tháng 5 và 7.

Tháng này, thương hiệu Salvatore Ferragamo (Italy) và hãng trang sức Tiffany & Co (Mỹ), tăng giá. Tháng sau, giới quan sát dự đoán Cartier và Omega sẽ gia nhập nhóm thương hiệu tăng giá.

Sự tăng giá của các hãng sản xuất hàng xa xỉ xuất phát từ nhiều lí do. Trong những giai đoạn bình thường, chính sách của ban lãnh đạo, biến động tỉ giá, chi phí lao động và nguyên liệu tăng là những yếu tố chính trong việc tăng giá.

Song năm nay, các hãng sản xuất hàng xa xỉ thấy doanh thu giảm ở nhiều nơi khác trên thế giới và họ muốn bù đắp tổn thất ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

LVMH, tập đoàn thời trang xa xỉ lớn nhất thế giới, chứng kiến doannh thu giảm sốc tới 27%, còn lợi nhuận hoạt động giảm tới 71%, trong nửa đầu năm nay.

Tình hình kinh doanh của LVMH ở châu Á rất thuận lợi, song kết quả ở Mỹ và châu Âu rất thê thảm.

Kinh doanh bết bát ở Mỹ, châu Âu, các thương hiệu xa xỉ tăng giá ở châu Á để bù lỗ - Ảnh 2.

Đối với những sản phẩm xa xỉ, các yếu tố tâm lí của người tiêu dùng có tác động lớn hơn quyết định lí trí. Ảnh: CNBC

Từ tháng 3 tới tháng 6, doanh thu mảng thời trang của LVMH ở Trung Quốc tăng 65%. Ở Mỹ và châu ÂU, doanh số giảm lần lượt 39% và 54%.

Song từ tháng 6, khi thế giới bắt đầu thấy sự suy giảm số lượng người mắc COVID-19, thị trường xa xỉ bắt đầu phục hồi nhanh ở phần lớn khu vực.

Jeon Young-hyun, nhà phân tích của công ty SK Securities, nhận định rằng, đối với những sản phẩm xa xỉ, các yếu tố tâm lí có tác động lớn hơn quyết định lí trí.

"Con người đã thể bộc lộ xu hướng mua thêm những sản phẩm cao cấp sau những trải nghiệm đe dọa cuộc sống", Jeon nói.

Ở Trung Quốc, nơi đang phục hồi nhanh (sau đại dịch), nhu cầu đối với hàng cao cấp đang đạt mức cao nhất.

SK Securities dẫn một luận đề mang tên "Tiếp thị nỗi sợ", do Đại học Pennsylvania (Mỹ) công bố nói rằng con người yêu bản thân hơn sau khi cận kề cái chết. Cảm giác yêu bản thân hơn khiến con người không quan tâm tới tiết kiệm tiền.

Nhạc Phong