Phi trường quốc tế lớn thứ hai thế giới số hóa và xa xỉ hóa hoạt động bán lẻ để thoát hiểm trước COVID-19
Từng đón lượng khách quốc tế đông thứ hai thế giới trước dịch, giờ đây phi trường quốc tế Heathrow, thuộc sở hữu của Heathrow Airport Holdings, đang vật lộn để hồi sinh hoạt động bán lẻ trong nhà ga, nơi từng rất náo nhiệt với lượng khách lớn.
Số lượng người tới sân bay giảm mạnh và các cơ sở bán lẻ gần như ngừng hoạt động do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Một số quán rượu, cửa hàng và nhà hàng vẫn đón khách, song về cơ bản hầu như không có doanh thu.
Doanh thu bán lẻ tại Heathrow đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỉ từ năm 2009 và nó đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu của phi trường mỗi năm. Vì thế, sự khốn đốn của hoạt động bán lẻ ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của Heathrow.
Năm 2018, tổng doanh số bán lẻ ở các sân bay đạt 78 tỉ USD, theo dữ liệu của Generation - cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước do số lượng hành khách tăng vọt. Chi tiêu trung bình của hành khách tại các sân bay không tăng nhiều so với cùng kì, chỉ hơn 18 USD mỗi khách, từ khoảng 17 USD vào năm 2009.
Khi nền kinh tế vận hành bình thường, tới 80 triệu hành khách di chuyển qua Heathrow mỗi năm. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, số lượt người gần bằng 0 và chỉ tăng một cách khiêm tốn sau đó, lên khoảng 15% lưu lượng so với trạng thái bình thường trước dịch.
Mặc dù hoạt động kinh doanh ở London đã phục hồi, đa số cửa hàng bên trong sân bay vẫn chưa đón khách. Các nhà quản lý của Heathrow tiết lộ họ đang nỗ lực để thuyết phục các doanh nghiệp hoạt động lại ở hai nhà ga đang mở.
Bất chấp nỗ lực thuyết phục của ban quản lí sân bay, một số doanh nghiệp vẫn không muốn đón khách nếu họ thấy doanh số tiềm năng không đáng với chi phí.
Quyết tâm lật ngược tình thế, Heathrow đã triển khai nhiều thay đổi về trải nghiệm mua sắm. Ban quản lí phi trường lập các tuyến di chuyển một chiều đến các cửa hàng, triển khai dịch vụ đặt đồ ăn qua ứng dụng cho các nhà hàng, quán cà phê; hỗ trợ các nhà bán lẻ truyền thống trong sân bay tham gia kinh doanh trực tuyến.
Nhờ "cách mạng số hóa" của ban quản lí, hành khách tại Heathrow có thể mua hàng tại sân bay trước khi đến và nhận hàng trên đường ra cửa tàu bay.
Mục tiêu của mọi giải pháp là duy trì nhu cầu từ các khách hàng tương đối giàu của sân bay. Trước đại dịch, Heathrow là phi trường lớn thứ hai trên thế giới đối với du khách quốc tế, chỉ sau Dubai, trong thập niên qua.
Giờ đây các cửa hàng trong phi trường đang chuyển từ bán các mặt hàng thiết yếu cho du lịch hạng trung sang các mặt hàng cao cấp hơn như túi xách, khăn choàng cổ và đồ trang sức sang trọng. Hàng hóa xa xỉ có thể tạo ra nhiều lợi nhuận hơn và bền vững hơn khi khủng hoảng ập tới.
Kết quả là, vào tháng trước, Heathrow đã báo cáo mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong chi tiêu bán lẻ trung bình cho mỗi hành khách, nhờ một đơn hàng duy nhất là nhẫn đính hôn trị giá 65.000 bảng Anh (85.300 USD) mà hành khách mua tại cửa hàng Tiffany & Co mới mở lại gần đây.