Trung Quốc đe dọa trả đũa sau khi ông Trump cắt đứt đặc quyền của Hong Kong
Ngày 14/7, Tổng thống Trump đã kí sắc lệnh chấm dứt đặc quyền kinh tế của Hong Kong với Mỹ, nguyên nhân xuất phát từ quyết định ban hành luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc với đặc khu hành chính này.
Tại họp báo, ông Trump khẳng định: "Mỹ sẽ đối xử với Hong Kong như Trung Quốc đại lục. Không đặc quyền, không ưu đãi kinh tế và không được Mỹ xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm".
Cũng vào ngày 14/7, ông Trump còn kí Đạo luật Tự trị Hong Kong mà trước đó đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn nhằm xử phạt các ngân hàng hợp tác với quan chức Trung Quốc tham gia thực thi luật an ninh mới tại Hong Kong.
Theo lệnh hành pháp mới, Washington sẽ phong tỏa tài sản tại Mỹ của bất kì cá nhân nào được xác định chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa "trong những hành vi hoặc chính sách phá hoại qui trình hoặc thể chế dân chủ ở Hong Kong".
Trung Quốc không để yên
Hôm nay (15/7), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ trừng phạt các cá nhân và tổ chức Mỹ nhằm đáp trả lệnh hành pháp nhắm vào các ngân hàng mà ông Trump vừa kí. Dù vậy, tuyên bố được đưa ra thông qua truyền thông nhà nước Trung Quốc không đề cập đến lệnh hành pháp này.
Bộ này nhấn mạnh: "Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không quốc gia nước ngoài nào có quyền can thiệp".
"Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án quyết định của Mỹ", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ. "Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của đất nước, Trung Quốc sẽ đưa ra hành động cần thiết để trừng phạt các cá nhân và tổ chức Mỹ liên quan".
Tuyên bố trên không nêu chi tiết về các lệnh trừng phạt mà Trung Quốc dự kiến thực hiện. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng hành động đáp trả của Bắc Kinh sẽ "rất kiên định" và việc Mỹ nỗ lực ngăn chặn thực thi luật an ninh quốc gia Hong Kong là vô ích.
Trong nhiều tháng qua, mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên căng thẳng hơn do đại dịch COVID-19, luật an ninh quốc gia Hong Kong, vấn đề nhân quyền tại khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương,...
Cách ông Trump xử lí đại dịch đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tái đắc cử của ông vào tháng 11 tới. Do đó, ông Trump đang nỗ lực làm chệch hướng chú ý của công chúng bằng cách đổ lỗi cho Trung Quốc, Reuters nhận định.
Con dao hai lưỡi
Các nhà phân tích cho rằng chấm dứt hoàn toàn đặc quyền thương mại của Hong Kong có thể là bước đi "gậy ông đập lưng ông" với Mỹ.
Năm ngoái, thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Mỹ với Hong Kong đạt 26,1 tỉ USD - lớn nhất trong các đối tác thương mại của Mỹ, theo dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ.
Còn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, khoảng 85.000 công dân Mỹ sống và làm việc tại Hong Kong vào năm 2018 và hơn 1.300 doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại đặc khu này, đáng chú ý có nhiều công ty tài chính lớn của Mỹ.
Ngoài ra, Hong Kong còn là điểm đến quan trọng cho dịch vụ pháp lí và kế toán của Mỹ.
Chính quyền ông Trump đã bắt đầu loại bỏ đặc quyền của Hong Kong theo pháp luật Mỹ từ cuối tháng 6 khi Trung Quốc chuẩn bị ban hành luật an ninh mới. Cụ thể, Mỹ đã tạm dừng xuất khẩu hàng hóa quốc phòng và hạn chế đặc khu hành chính này tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ.
Một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho biết Washington cũng đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt khác với quan chức và tổ chức Trung Quốc liên quan đến hành vi siết quyền kiểm soát Hong Kong, bao gồm các lệnh cấm nhập cảnh và trừng phạt về tài chính.