|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc đang biến Đông Nam Á thành 'cửa sau' để nhập khẩu đậu nành Mỹ?

17:17 | 23/10/2018
Chia sẻ
Thuế quan trả đũa của Trung Quốc đối với đậu nành đã khiến Mỹ dừng xuất khẩu sang quốc gia này, nhưng xuất khẩu sang khu vực như Đông Nam Á lại tăng tới 90%, gợi ý người mua Trung Quốc có thể đã tìm thấy “cửa sau” để nhập khẩu đậu nành.

Trung Quốc nhập khẩu hơn 100 triệu tấn đậu nành hàng năm, và từng là người mua đậu nành lớn của Mỹ, chiếm 60% xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi đáng kể từ khi Trung Quốc áp thuế 25% đối với một số hàng hóa từ Mỹ trong tháng 7.

Trong khi đó, xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Trung Quốc đạt 27,68 triệu tấn trong năm mùa vụ tính từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018, giảm mạnh 20% so với mùa vụ trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố trong tháng trước. Đối với mùa vụ hiện tại (tháng 9/2018 - tháng 8/2019), con số này đạt khoảng 10% so với năm trước, tính đến ngày 4/10.

Ngược lại, xuất khẩu sang Đông Nam Á, châu Âu và Nam Mỹ đã tăng gần hai lần.

Nhu cầu đối với thức ăn chăn nuôi và dầu nấu ăn đã tăng tại Trung Quốc, và rất khó để đơn giản chuyển sang nguồn cung khác nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt.

Bắc Kinh vẫn chưa công bố số liệu thương mại chi tiết, khiến việc xác định địa điểm nhập khẩu đậu nành trở nên khó khăn hơn, nhưng các thành phần theo dõi thị trường đã đặt được rằng, nguồn cung đậu nành đến từ bên trung gian thứ ba mới.

“Khu vực [Đông Nam Á] dễ dàng trở thành điểm tiếp cận đối với Trung Quốc, và các quốc gia trong khu vực có thể thu về lợi nhuận từ việc bán lại đậu nành Mỹ cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”, một thành phần trên thị trường ngũ cốc cho biết.

Xuất khẩu đậu nành Mỹ sang Việt Nam và Thái Lan đã tăng mạnh 60 – 90% so với năm ngoái trong những tháng gần đây.

trung quoc dang bien dong nam a thanh cua sau de nhap khau dau nanh my
Ảnh: Grainews

Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu loại ngũ cốc này từ các nhà sản xuất như Brazil và Argentina, và có thể Nam Mỹ cũng nổi lên thành điểm dừng chân cho đậu nành Mỹ.

Theo Nikkei Asia Review, Brazil đang trong thời điểm gieo trồng, và công suất xuất khẩu đậu nành từ mùa vụ cũ có thể sớm chạm đến điểm giới hạn, theo một công ty thương mại lớn của Nhật Bản. Ngoài ra, cũng có nhiều người đặt cược vào khả năng quốc gia Nam Mỹ cố gắng đảm bảo nguồn đậu nành giá rẻ từ Mỹ cho tiêu thụ nội địa, còn bán phần thu hoạch còn lại sang Trung Quốc với giá cao hơn.

Được thúc đẩy từ nhu cầu mới từ Trung Quốc, đậu nành Brazil đang được giao dịch ở mức cao, với phí bảo hiểm được tính thêm vào giá đậu nành giao trên sàn giao dịch Chicago. Các điều kiện trên thị trường có vẻ ủng hộ giả thuyết, các nhà sản xuất Nam Mỹ đang sử dụng nguồn đậu nành giá rẻ của Mỹ như van điều khiển thương mại của họ.

Trong mùa xuân, giá đậu nành giao sau trên sàn Chicago giao dịch hơn 10 USD/giạ. Tuy nhiên, giá đậu nành bắt đầu giảm vào mùa hè, và hiện dao động quanh ngưỡng 8 USD, chủ yếu là vì cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, cũng như vụ mùa bội thu tại Mỹ trong năm nay.

Nhiều chuyên gia cũng giám sát tăng trưởng sản lượng của dầu đậu nành Mỹ, sản phẩm không nằm trong danh sách chịu thuế quan bổ sung.

Dữ liệu mới công bố hồi đầu tháng của Hiệp hội các nhà chế biến dầu hạt quốc gia Mỹ cho thấy, việc chiết xuất dầu đậu nành trong tháng 9 ghi nhận mức cao kỉ lục trong tháng.

Sản lượng gia tăng được chuyển tới Trung Quốc và Canada, theo ông Kazuhiko Saito, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu Fujitomi. Mỹ được cho là đang tìm cách tăng xuất khẩu dầu đậu nành sang Trung Quốc.

Xem thêm

Lyly Cao