|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Trumponomics 2.0’: Sương mù giăng lối hay con dao hai lưỡi với nền kinh tế Mỹ?

08:21 | 02/01/2025
Chia sẻ
Yếu tố quyết định triển vọng nền kinh tế Mỹ trong năm 2025 là chương trình nghị sự của ông Trump. Nhưng câu chuyện kinh tế sẽ rẽ theo hướng nào?

Đa phần các nhà phân tích đều hướng đến năm mới 2025 với tâm trạng lạc quan. Suy cho cùng, đợt tăng giá được thúc đẩy bởi cơn sốt AI chỉ mới bắt đầu, lạm phát đang giảm dần về mức mục tiêu và thị trường việc làm vẫn khá ổn định.

Thêm vào đó, người tiêu dùng đã trụ vững một cách đáng kinh ngạc và những tác động lan toả tồi tệ hậu đại dịch đang dần lắng xuống.

Vậy, có yếu tố nào có thể khiến nền kinh tế Mỹ trật bánh hay không? Theo các chuyên gia, câu trả lời là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump.

Mặc dù chiến thắng của ông Trump đã giúp thị trường tài chính khép lại năm 2024 theo hướng khá tươi sáng, việc chính trị gia Đảng Cộng hoà này trở lại nắm quyền có thể đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai hơn.

Những người đã bỏ phiếu cho vị tổng thống đắc cử rất tự tin vào cách tiếp cận của ông. Trong tuần sau cuộc bầu cử, tâm lý người tiêu dùng trong số những cử tri Cộng hoà đã tăng vọt gần 30%, cao nhất kể từ khi ông Joe Biden đắc cử, theo dữ liệu của Morning Consult.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế không tự tin như vậy. Nhiều người tự hỏi bao nhiêu chính sách mà ông Trump đề xuất sẽ trở thành hiện thực khi ông nhậm chức vào cuối tháng 1.

Mối lo ngại chính của giói chuyên gia là thuế quan, bởi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế mạnh tay đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, Trung Quốc và Canada.

Trong khi một số quốc gia sẽ phải đàm phán mức thuế từ 10% đến 20%, gần đây hơn, ông Trump đe doạ sẽ áp thuế 100% đối với khối BRICS nếu họ xúc tiến kế hoạch phát triển một đồng tiền chung để chuyển hướng khỏi đồng bạc xanh.

Và mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cùng các đồng nghiệp có thể đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát, giới chuyên gia lo ngại rằng thuế quan của ông Trump có thể khiến họ thua cuộc.

Ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Bên dưới là nhận định của ba gã khổng lồ ngân hàng Phố Wall về triển vọng của nền kinh tế Mỹ khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, theo tổng hợp của Fortune:

JPMorgan: Bầu trời quang đãng nhưng dễ có sương mù

JPMorgan Chase ước tính nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,3% trong năm 2024, phần nhiều nhờ vào sức mạnh của người tiêu dùng. Theo ngân hàng này, xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025.

Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cũng khá tự tin về việc làm và lạm phát. Bức tranh việc làm và giá cả tích cực sẽ giúp ích cho các nhà hoạch định chính sách của Fed trong việc ấn định lãi suất.

“Thị trường lao động dự kiến vẫn sẽ lành mạnh, việc làm tiếp tục tăng và tỷ lệ thất nghiệp ổn định gần mức 4%. Khi thị trường lao động bình thường hoá, tỷ lệ lạm phát cũng vậy.

Chúng tôi dự đoán lạm phát tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) sẽ kết thúc năm 2024 ở mức 2,3% và đạt trung bình 2% vào năm 2025”, gã khổng lồ tài chính thông tin thêm.

Tuy nhiên, “bầu trời quang đãng hơn” mà JPMorgan mường tượng về nền kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi một hình thái thời tiết khác: “sương mù bất ổn”.

Kế hoạch áp thuế quan, cắt giảm thuế suất, nới lỏng quy định và kiểm soát dòng người nhập cư của ông Trump có thể khiến lạm phát tăng lên 2,7% vào cuối năm 2025. Trong kịch bản đó, lãi suất quỹ liên bang thay vì tiếp tục đi xuống sẽ tăng trở lại phạm vi 3,75 - 4%.

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì quanh mức 3,9% khi thị trường lao động thắt chặt. Trong khi đó, các đợt cắt giảm thuế suất có thể thúc đẩy GDP thực tế tăng 2,8% vào năm 2026.

Bank of America: Con dao hai lưỡi

Trumponomics 2.0 (chính sách kinh tế nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump) là con dao hai lưỡi đối với người tiêu dùng Mỹ, hai chuyên gia Claudio Irigoyen và Antonio Gabriel của Bank of America viết trong một lưu ý.

Một mặt, chương trình nghị sự kinh tế của ông Trump sẽ giúp ích cho tăng trưởng, có khả năng giúp thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch vượt trội hơn so với phần còn lại của thế giới.

Mặt khác, “áp thuế quan mạnh tay có thể khơi mào chiến tranh thương mại và làm trầm trọng thêm bức tranh địa chính trị, dẫn đến suy thoái toàn cầu”.

Hơn nữa, hai nhà kinh tế còn cảnh báo chi tiêu tài khoá vượt mức của Mỹ cùng các chính sách bảo hộ và kiểm soát tài chính có thể thúc đẩy lạm phát lên cao hơn và bất ổn toàn cầu gia tăng nghiêm trọng hơn.

 

Cả hai dự kiến Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức 4%. So với phạm vi lãi suất hiện tại, họ kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất thêm hai lần trong năm 2025 vào tháng 3 và tháng 6.

Nhìn chung, Bank of America coi chính quyền Trump sắp tới là một cú sốc kinh tế “lớn” tiềm tàng. Trong một báo cáo, hai nhà kinh tế lưu ý thêm rằng rủi ro “lớn bất thường nhưng có hai mặt”.

Họ giải thích: “Tăng trưởng có thể mạnh hơn dự báo của chúng tôi (thậm chí có khả năng vượt mức 3%) nếu chính quyền sắp tới tập trung thúc đẩy tăng trưởng (nới lỏng tài khoá và bãi bỏ quy định) và giảm bớt các yếu tố bất lợi cho tăng trưởng (thuế quan và hạn chế nhập cư)”.

“Ở chiều ngược lại, có thể i) chính quyền ông Trump sẽ áp thuế quan 60% đối với hàng hoá Trung Quốc và 10 - 20% đối với phần còn lại và các đối tác thương mại của Mỹ đáp trả mạnh mẽ, ii) chính sách nhập cư thắt chặt đáng kể và iii) chính phủ nới lỏng tài khoá ở mức tối thiểu.

Trong kịch bản này, nền kinh tế có thể bị đẩy vào suy thoái và vào cuối năm 2025/2026 Fed có thể phải hạ lãi suất xuống còn 1% hoặc thậm chí thấp hơn. Chúng tôi cũng chưa chắc về mức độ cắt giảm chi tiêu của Washington”, hai người cho hay.

Goldman Sachs: Không tin thuế quan

Nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman Sachs không tin lời đe doạ thuế quan của ông Trump. Ông Walker dự đoán Mỹ sẽ áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trái ngược với con số 60% mà ông Trump tuyên bố.

“Thuế quan đánh vào Trung Quốc có khả năng sẽ được cân nhắc dựa trên danh sách hàng hoá được tạo ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump và có thể được áp dụng khá nhanh chóng”, ông Walker viết trong lưu ý.

“Mặc dù ông Trump cũng đã đề xuất mức thuế phổ quát 10 - 20% đối với tất cả các nước khác, chúng tôi coi đây là một rủi ro nghiêm trọng nhưng không phải kịch bản cơ sở”, vị chuyên gia bày tỏ.

Mặc dù Goldman Sachs không tin tưởng lời đe doạ của chủ nhân Nhà Trắng tương lai, ông lớn ngân hàng này vẫn coi thuế quan là cái gai trong mắt Chủ tịch Fed Powell.

Tuy các yếu tố vĩ mô cho thấy lạm phát đang trên đà quay trở lại mức mục tiêu của Fed, ông Walker lưu ý “thuế quan có khả năng trì hoãn việc lạm phát quay trở lại mức 2% vào năm 2025”.

Đó là vì 70% chi phí tăng thêm do thuế quan sẽ được chuyển trực tiếp sang người tiêu dùng, trong khi các nhà xuất khẩu nước ngoài hấp thụ 15% và các nhà bán buôn và bán lẻ tại Mỹ gánh 15%.

Chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs ước tính lạm phát sẽ còn khoảng 2,4% vào cuối năm 2025. Trong trường hợp ông Trump áp thuế quan phổ quát, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3%.

Khả Nhân