|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trót vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao

09:43 | 11/05/2020
Chia sẻ
Trong khi nhiều doanh nghiệp đang có cơ hội được tái cơ cấu nợ, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc được giảm lãi suất xuống mức ưu đãi,...
Trót vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao - Ảnh 1.

Câu chuyện condotel liệu có được đem ra áp dụng đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp? Ảnh: Thành Hoa

Trót vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao - Ảnh 2.

Cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp nóng hơn bao giờ hết trong ba năm trở lại đây, khi nhiều lãnh đạo công ty nhận ra lợi ích của việc phát hành trái phiếu so với vay vốn ngân hàng như thế nào. 

Việc các khách hàng cá nhân với nguồn vốn dồi dào quyết định chuyển dịch sang kênh trái phiếu doanh nghiệp với lợi suất cao bất chấp rủi ro, đã giúp nhiều doanh nghiệp huy động được hàng ngàn tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.

Trót vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao - Ảnh 3.

Tuy nhiên, khi những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 bắt đầu tác động lên nền kinh tế, rủi ro khủng hoảng và suy thoái đến gần, nhiều doanh nghiệp trót vay nợ cao giờ đây bắt đầu thấm đòn.

Doanh thu sụt giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, nhu cầu tiêu dùng suy yếu, các doanh nghiệp này vẫn phải đau đầu với việc trả lãi vay và các khoản nợ đang đến hạn.

Với những doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng, còn có niềm an ủi là có thể được tiếp cận với giải pháp hỗ trợ tín dụng, từ khoanh nợ, giãn nợ cho đến việc yêu cầu điều chỉnh giảm lãi suất vay vốn, từ đó giảm bớt áp lực chi phí tài chính trong bối cảnh thất thu như hiện nay, khi mà các ngân hàng cũng xác định việc hỗ trợ, cứu lấy khách hàng không chỉ nhằm thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của nhà điều hành mà còn là cách để tự cứu mình.

Nhưng với những công ty đã huy động một nguồn lực lớn qua kênh phát hành trái phiếu trong những năm qua, giờ đây gánh nặng tài chính mới thật sự trở thành một nguy cơ lên khả năng duy trì hoạt động kinh doanh.

Làm sao có thể mở miệng yêu cầu các khách hàng cá nhân, những người đã tin tưởng vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp và rót tiền đầu tư trái phiếu, chấp nhận giảm lãi suất cho doanh nghiệp hoặc xin khất nợ, khất lãi hay giãn thời gian chi trả?

Câu chuyện condotel liệu có được đem ra áp dụng, khi doanh nghiệp hủy bỏ cam kết trả lãi cho nhà đầu tư vì kinh doanh không thuận lợi? E rằng không đơn giản như thế.

Việc rót tiền vào các dự án condotel của khách hàng cá nhân có thể xem như một thương vụ hợp tác đầu tư giữa hai bên, còn việc sở hữu trái phiếu doanh nghiệp lại là câu chuyện khác, khi những nhà đầu tư đang là chủ nợ của chính doanh nghiệp nên có những quyền lợi nhất định.

Dù vậy, với những doanh nghiệp trước đây phát hành có kèm theo điều khoản được mua lại trước hạn, trong bối cảnh hiện nay có thể tìm cách tái cơ cấu nợ từ các khoản vay lãi suất cao sang lãi suất thấp hơn. 

Theo đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi theo các chương trình hỗ trợ, rồi sử dụng nguồn tiền này để mua lại trước hạn các trái phiếu lãi suất cao đã phát hành trước đây.

Nhưng cũng cần nhớ rằng nhiều doanh nghiệp trước đây phải phát hành trái phiếu là vì không thể tiếp cận được các khoản vay vốn ngân hàng, thiếu tài sản bảo đảm và thực tế là nhiều trái phiếu phát hành chấp nhận lãi suất cao là do không có tài sản bảo đảm, tức theo hình thức tín chấp.

Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm thì giờ đây muốn vay nợ ngân hàng cũng là bất khả thi. 

Đó là chưa nói đến việc dù có tài sản bảo đảm cũng chưa chắc vay được vì các ngân hàng cũng bị vướng phải những giới hạn về quy định cấp tín dụng, cũng như các điều kiện cho vay hiện nay có thể bị thắt chặt hơn do lo ngại rủi ro.

Trót vay nợ bằng trái phiếu, doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao - Ảnh 4.

Lo ngại trên là có cơ sở, khi người đứng đầu ngành ngân hàng mới đây cũng cho rằng các tổ chức tín dụng phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đang gặp khó khăn muôn trùng sẽ khó đảm bảo đủ điều kiện để vay vốn từ ngân hàng. 

Khi đó, họ lại buộc phải tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn, có thể nhằm để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh doanh kế tiếp, trang trải hoạt động tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, hoặc thậm chí để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đã đến hạn hoặc chưa đến hạn.

Số liệu thống kê về trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong ba tháng đầu năm nay càng củng cố thêm lập luận này. 

Theo Công ty Chứng khoán SSI, quí 1-2020 có 47.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, tăng mạnh gần 40% so với cùng kỳ 2019. 

Đáng lưu ý là nhóm dẫn đầu đã chuyển từ ngân hàng sang các doanh nghiệp bất động sản, khi nhóm này với 23.202 tỉ đồng chiếm 49% khối lượng phát hành toàn thị trường, trong khi cả năm 2019 chỉ chiếm 38%.

Đáng lưu ý là lãi suất trái phiếu bình quân trong quí 1 đầu năm nay là 10,4%/năm, riêng nhóm bất động sản là 10,8%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 10,3% của năm 2019. 

Thực tế lãi suất từ 10-11% là mức bình thường, ngang với lãi suất cho vay của các ngân hàng trong giai đoạn trước đây, nhưng với mặt bằng lãi suất đã đi xuống trong thời gian qua, đặc biệt nhiều ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất 1-2 điểm phần trăm kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là ở mức quá cao.

Tuy nhiên, như đã nói thời điểm này nhiều doanh nghiệp chỉ còn cách huy động vốn qua kênh trái phiếu, nên vẫn buộc phải chấp nhận lãi suất cao, nhất là đối với nhóm bất động sản, khi các ngân hàng hiện nay đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với nhà đầu tư, trước xu hướng lãi suất tiền gửi giảm mạnh trong thời gian gần đây, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất vẫn cao như hiện nay có thể là thương vụ hấp dẫn, tuy nhiên rủi ro sẽ luôn chực chờ, nhất là đối với những trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

Trong khi đó, trước những quy định thắt chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế vốn rót vào lĩnh vực bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) gần đây đã đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản, cũng như giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn mới phát sinh do đại dịch Covid-19.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Triệu Dương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.