HoREA kiến nghị giảm tới 50% lãi vay cho DN BĐS, không nên siết trái phiếu DN ngành này
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đề xuất các giải pháp chủ yếu để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh trong tình trạng bình thường mới, chung số an toàn với dịch COVID-19.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội nhận định, từ kinh nghiệm xử lí các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách.
"Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về qui trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế", ông Châu nói.
Theo ông Châu, để chung sống an toàn với dịch COVID-29, trước hết các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới.
Về giải pháp tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, được xem xét cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
Đồng thời, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.
HoREA cũng đề nghị không nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Lí do HoREA đưa ra là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là hiện nay đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 của Chính phủ là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lí phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành kênh cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.
"Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do dịch COVID-19, Hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản", HoREA nêu rõ.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà, cũng được giảm khoảng 30-50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020).
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét, có cơ chế cho người trẻ được vay tín dụng thương mại với lãi suất hợp lí, theo phương thức tín chấp để mua căn nhà đầu tiên, áp dụng từ năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới thêm 5% đối với giới hạn cấp tín dụng, đối với một khách hàng không được vượt quá 20%; đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020.
Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn ngân sách 3.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhất là nguồn vốn 2.000 tỉ đồng bố trí cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, vừa nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội, vừa góp phần kích cầu thị trường bất động sản.
Theo HoREA, thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018, 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc; nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh.
Giá nhà tăng; người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở; nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản bị sụt giảm. Dịch CoViD-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng. Năm 2009, với gói kích cầu đầu tư có giá trị khoảng 1 tỉ USD và điều chỉnh giảm dần lãi suất cơ bản, đã giúp nền kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi.
Nhưng việc kích cầu đầu tư và phát triển "nóng" lại gây ra "bong bóng" bất động sản năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2011, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng lần thứ hai. Năm 2013, với gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/