|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu: Buông hay siết?

08:01 | 09/05/2020
Chia sẻ
Trong mùa dịch COVID - 19, nhiều doanh nghiệp địa ốc đua nhau phát hành trái phiếu để huy động vốn. Chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu tốt cho thị trường nhưng thận trọng để tránh rủi ro.

Tăng phát hành trong mùa dịch

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong tháng 3/2020, có 125 đợt doanh nghiệp đăng ký chào bán trái phiếu với tổng trị giá 28.079 tỷ đồng. Trong đó, số đợt phát hành thành công là 109, với tổng trị giá trái phiếu phát hành 17.093 tỷ đồng. 

So với tháng 2, số đợt đăng ký lẫn phát hành thực tế trong tháng 3 tăng mạnh. Quý I/2020, có 63 doanh nghiệp (DN) phát hành trái phiếu với tổng trị giá trái phiếu phát hành trên 36.440 tỷ/số đăng ký 65.060 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu  DN bất ngờ phục hồi trong tháng cao điểm phòng chống dịch COVID-19 với điểm lạ là: Hầu hết lượng trái phiếu phát hành đều “bùng nổ” tại các DN bất động sản. DN bất động sản đã phát hành lượng trái phiếu với trị giá 8.087 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 47%. 

Điểm danh các DN có khối lượng phát hành lớn có: Công ty Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (gần 2.000 tỷ đồng), Tập đoàn Sovico (1.550 tỷ đồng), Công ty Bất động sản Đông Dương (1.200 tỷ đồng), Phú Mỹ Hưng (900 tỷ đồng).

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong quý I/2020, các DN địa ốc còn sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Lãi suất trái phiếu phát hành bình quân trong qúy I là 10,77%/năm, tăng so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn. 

“Trong quý vừa qua, đã có có 33 DN bất động sản phát hành tổng cộng 23.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ và bằng 18,3% tổng lượng phát hành cả năm ngoái”, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI nêu rõ.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc các DN bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn và lãi suất cao cho thấy họ đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng.

Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát chặt

Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành kiểm soát chặt việc phát hành trái phiếu của DN bất động sản để huy động vốn, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để tránh rủi ro.

Theo bộ này, các DN kinh doanh bất động sản đang gặp khó khăn về vốn đầu tư bất động sản và an toàn dòng vốn. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đang thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng đối với bất động sản theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến  DN bất động sản, các chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà đều khó tiếp cận tín dụng. 

Từ đó, một số DN bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao (Có DN phát hành trái phiếu với lãi suất huy động lên đến 14,5%/năm), đây là nguy cơ làm tồn đọng dòng vốn, tạo rủi ro, mất an toàn dòng vốn cho thị trường bất động sản.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng hiện nay, các tổ chức, ngân hàng đang trong quá trình thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22 (2019) của Ngân hàng Nhà nước. 

Do đó, các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn thay thế, trong đó, có kênh phát hành trái phiếu DN.

Cũng theo ông Châu, với những khó khăn mới phát sinh do đại dịch COVID-19 những tháng qua, cơ quan chức năng không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu DN, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.

Ông Châu dẫn chứng, năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu DN bất động sản đạt 106.500 tỷ đồng.Trong đó 84,2% DN phát hành trái phiếu thu về lượng vốn chỉ bằng 1/3 vốn chủ sở hữu. Lãi suất bình quân trái phiếu DN ở mức 10,3% (tương đương lãi suất ngân hàng), đảm bảo được yếu tố an toàn và hợp lý.

Ngọc Mai