Triển vọng nào cho nhóm doanh nghiệp bán lẻ năm 2021?
Trong báo cáo mới ra của Chứng khoán BSC, công ty chứng khoán này có đưa ra nhận định về triển vọng cho một số doanh nghiệp nổi bật trong ngành bán lẻ.
Đối với những doanh nghiệp đầu ngành phân phối hàng tiêu dùng như CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), BSC nhận định năm 2021 sẽ là một năm khó khăn hơn cho doanh nghiệp này khi nợ đang ở mức cao, dự kiến doanh nghiệp sẽ huy động thêm vốn từ các tổ chức nước ngoài.
Về tình hình hoạt động kinh doanh trong năm 2021, BSC dự báo doanh thu The Crown X tăng 15 – 20%, trong đó Vinmart+ mở rộng 300 – 700 cửa hàng, Vinmart cải thiện tốc độ tăng trưởng lên hai chữ số. Hàng tiêu dùng Masan cải thiện sản phẩm cao cấp, tăng quy mô ngành hàng đồ uống trong mảng chăm sóc cá nhân và gia đình. Ngoài ra, Masan MEATLife được dự báo tăng trưởng doanh thu từ 25% đến 30%.
Theo đó, BSC cho biết Masan đặt mục tiêu doanh thu cả năm nay 92.000 – 108.000 tỷ đồng, tăng từ 20 – 40% so với năm 2020. Biên lãi gộp đạt 15 – 20%, cải thiện 2 – 7% so với năm trước.
Trong khi đó, tại mảng phân phối thiết bị công nghệ, BSC dự báo CTCP Thế Giới Số (Digiworld, mã: DGW) có một năm kinh doanh khá tích cực nhờ phục hồi sau dịch của mảng thiết bị văn phòng và mảng hàng tiêu dùng nhanh sẽ là động lực tăng trưởng chính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng 5G và các nhãn hàng kí mới năm 2020 cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng cho mảng điện thoại và máy tính xách tay.
Do đó, BSC ước tính trong năm 2021, Digiworld đạt 17.878 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42,6% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế (LNST) ước đạt 360 tỷ đồng, tăng 42,1%.
Trong năm vừa qua, Digiworld đạt tổng doanh thu thuần 12.535 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng, tăng lần lượt 48% và 56% so với năm ngoái. Với kết quả kinh doanh này, công ty đã hoàn thành 123% kế hoạch doanh thu và 125% lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh khả quan trong 2020 đến từ tăng trưởng của các nhãn hàng cũ và đóng góp của của các hợp đồng kí mới, cùng với đó là mảng máy tính xách tay (Huawei và Apple), mảng điện thoại (iPhone), mảng thực phẩm chức năng (phân phối các sản phẩn xương khớp).
Về CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT), chuỗi FPT Shop sẽ tiếp tục đóng góp lợi nhuận chính cho doanh nghiệp. Theo BSC, sau khi bổ sung dịch vụ sửa chữa tại 4 cửa hàng FPT Shop, FPT Retail sẽ mở rộng dịch vụ này trong chuỗi cửa hàng điện thoại trong thời gian tới.
Đối với chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu, FPT Retail dự kiến mở mới 150 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 350 trong năm 2021. Thông tin từ BSC, doanh số trung bình mỗi tháng (bao gồm cả cửa hàng mới mở) của chuỗi này là 600 – 800 triệu đồng. Theo đó, BSC nhận định chuỗi Long Châu sẽ hòa vốn vào cuối năm 2021.
Ngược lại với sự mở rộng của hai chuỗi FPT Shop và Long Châu, hệ thống FPT Beauty thu hẹp chỉ còn một cửa hàng hoạt động ở Xã Đàn. Theo BSC, chuỗi này sẽ đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến thay vì mở rộng hệ thống cửa hàng.
Chứng khoán BSC dự báo trong năm 2021, tổng doanh thu của FPT Retail là 17.378 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với doanh thu 14.805 tỷ đồng năm 2020.
CTCP Thế Giới Di Động (Mã: MWG) ghi nhận năm 2020 tăng trưởng cả về doanh thu (6%) và LNST (2%), lần lượt đạt 108.546 tỷ đồng và 3.920 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong giai đoạn thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch bênh, doanh nghiệp chưa tháng nào ghi nhận lỗ. Động lực tăng trưởng chính cho MWG đến từ mô hình Điện Máy Xanh supermini và Bách Hóa Xanh diện tích lớn.
Trong năm 2021, BSC dự báo MWG sẽ mở thêm 1.057 cửa hàng, trong đó 714 cửa hàng Điện Máy Xanh và 344 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Ngoài ra, Bách Hóa xanh sẽ tiếp tục tăng độ phủ tại thị trường hiện hữu, tăng tỷ trọng các sản phẩm OEM và tối ưu hóa vận hành để tiến dần về điểm hòa vốn.
Về kết quả kinh doanh, Chứng khoán BSC ước tính trong năm 2021, doanh thu MWG sẽ đạt 129.298 tỷ đồng, tăng 19% so với năm ngoái; lãi sau thuế cũng tăng 24% lên 4.863 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực bán lẻ trang sức, BSC dự báo CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) lần lượt đạt doanh thu thuần 19.829 tỷ đồng và LNST 1.333 tỷ đồng trong năm 2021, tăng trưởng 13,2% và 24,7% so với năm ngoái.
BSC đánh giá trang sức bán lẻ sẽ là động lực tăng trưởng chính nhờ kỳ vọng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu sẽ tăng trưởng 10 – 12% nhờ sức tiêu thụ tăng lên khi thu nhập khả dụng của người dân phục hồi. Bên cạnh đó, PNJ sẽ mở rộng Style by PNJ trong các cửa hàng ở các thành phố lớn, đầu tư marketing nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ tuổi với túi tiền vừa phải.
Việc giảm tỷ trọng vàng miếng và tăng tỷ trọng dòng hàng trong kênh bán lẻ sẽ hỗ trợ biên lãi gộp PNJ tăng lên 20% trong năm nay, theo đó cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp.
Mặt khác, với việc PNJ đầu tư vào hệ thống "Người Bạn Vàng", BSC cho rằng có sự gắn liền giữa nhận giữ đồ trang sức cho khách hàng có nhu cầu tài chính với tệp khách hàng mua trang sức hiện tại. Ngoài ra, PNJ có thể mở rộng dịch vụ tài chính cá nhân cho nhóm khách hàng có thu nhập vừa phải nhưng vẫn muốn sở hữu sản phẩm uy tín.