Trích lập dự phòng rủi ro nhảy vọt, lãi trước thuế quý II của ACB giảm nhẹ dù hoạt động kinh doanh khởi sắc
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - Mã: ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 4.832 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt gần 9.989 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ, thực hiện 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong quý II, thu nhập lãi thuần của ACB ghi nhận mức tăng trưởng 11,4%, đạt gần 6.246 tỷ đồng. ACB thắng đậm từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, thu về gần 408 tỷ đồng, tăng 2.122% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngại hối ghi nhận mức tăng trưởng 125,4% trong quý II, đạt hơn 327 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đem về cho ACB gần 72 tỷ trong quý II. Vào cùng kỳ năm ngoái, mảng kinh doanh này từng khiến ACB lỗ gần 227 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận sự sụt giảm khoảng 19%, xuống còn hơn 804 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng cắm đầu khoảng 54,3%, chỉ còn 163 tỷ đồng trong kỳ. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng giảm mạnh.
Trong quý II, lợi nhuận thuần từ HĐKD của ACB ghi nhận mức tăng trưởng 19,2% đạt 5.538 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí dự phòng rủi ro tăng lên gần 706 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước, ngân hàng đã được hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng) khiến lợi nhuận trước thuế giảm 1,7%, còn hơn 4.832 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ACB tăng 3,8% lên gần 631.000 tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt hơn 434.000 tỷ đồng, tăng 4,9% so với đầu năm, riêng trong quý II, tốc độ tăng trưởng có sự cải thiện mạnh mẽ, ở mức tăng 5.5% tương đương gần 23.000 tỷ so với quý I.
Tiền gửi khách hàng của ACB tăng trưởng 4,5%, đạt hơn 432.000 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ CASA tuy còn thấp so với mức đầu năm nhưng đã có dấu hiệu tích cực khi tăng trở lại sau đợt giảm liên tục từ quý II/2022. Tỷ lệ CASA đã tăng lên 20,9% từ mức 19,8% tại cuối quý I..
Tính đến cuối tháng 6/2023, ACB đã không còn nắm giữ bất cứ trái phiếu nào do các TCTD trong nước phát hành. Vào cuối năm ngoái, ACB từng nắm trong tay 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Thay vào đó, nhà băng này tăng hơn gấp đôi số lượng trái phiếu chính phủ năm giữ, đạt 349,8 tỷ đồng.
Tỷ lệ LDR đạt mức 79% (dưới mức 85% so với quy định), Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 19% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 34%). Tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12.4%.
Về chất lượng tài sản, vào cuối tháng 6/2023, số dự nợ xấu của ACB tăng 51,8%, lên 4.622 tỷ đồng. Khoảng hơn một nửa trong số này là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5). Hai nhóm nợ khác đã tăng gấp đôi trong kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích từ 0,74% vào cuối năm ngoái lên 1,06% vào cuối quý II/2023.
Ngân hàng cho biết mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022 gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
So với đầu năm, ACB đã cắt giảm được 5,3% chi phí bình quân cho nhân viên. Trong 6 tháng đầu năm, trung bình mỗi nhân viên đang "tiêu tốn" của nhà băng này 36,8 triệu đồng/tháng.