|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

ACB và chặng đường 10 năm với khởi đầu khó khăn dưới thời Chủ tịch Trần Hùng Huy

08:40 | 07/06/2023
Chia sẻ
Nắm giữ "ghế nóng" Chủ tịch ngay tại thời điểm khó khăn nhất của ACB, ông Trần Hùng Huy cùng ban lãnh đạo ngân hàng đã đưa ACB trở lại với thời sung sức của mình, dẫn đầu các ngân hàng về ROE trong quý I/2023.

Chặng đường 10 năm với khởi đầu đầy khó khăn

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), ông Trần Hùng Huy đang là cái tên phủ sóng mạng xã hội nhiều ngày qua với hình ảnh tại gala kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng. Sự kiện này cũng đánh dấu chặng đường 10 năm vị chủ tịch trẻ tuổi lèo lái con thuyền ACB.

Vào năm 2012 - thời điểm bầu Kiên vướng vào vòng lao lý, ACB bước vào giai đoạn khủng hoảng. Ông Trần Hùng Huy khi đó mới chỉ 34 tuổi đã được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT và trở thành người đứng đầu ngân hàng trẻ tuổi nhất Việt Nam.

Thời điểm năm 2022, sự cố bầu Kiên là một cú sốc lớn tới hoạt động kinh doanh của toàn bộ hệ thống ACB và đã tác động đáng kể đến hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là huy động và kinh doanh vàng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm mạnh từ hơn 4.200 tỷ đồng (năm 2011) về còn 1.042 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu thời điểm đó, ACB đã trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn với việc cắt giảm nhân sự và lương toàn hệ thống. Trong năm kế cận hiệu quả hoạt động không như kỳ vọng khi tổng tài sản và lợi nhuận của ngân hàng đều ghi nhận sụt giảm nhẹ.

Tuy nhiên, điểm sáng trong năm 2013 của ACB là vẫn ghi nhận tăng trưởng về tiền gửi khách hàng và cho vay (lần lượt là 10,3% và 4,3%), nợ xấu được kiểm soát dưới mức 3%. Đây cũng là năm ngân hàng bắt đầu thực hiện lộ trình tái cơ cấu 2013 - 2015.

Năm 2014, Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của ACB từ "tiêu cực" lên "ổn định" sau khi tổ chức này cho rằng, những sức ép từ rủi ro phát sinh sau vụ án bầu Kiên lên hệ thống tài chính đã giảm thiểu. 

Hoạt động kinh doanh của ACB trong 5 năm sau sự kiện bầu Kiên không có quá nhiều tăng trưởng đột biến, mãi cho tới năm 2017, hoạt động kinh doanh của ngân hàng mới phục hồi tương đối với tăng trưởng lợi nhuận gần 60% so với năm trước đạt 2.656 tỷ đồng và xử lý hết nợ xấu tại VAMC.

Đó là cơ sở để ACB bứt tốc hơn trong năm 2018 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.389 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. 

Năm 2019, ngân hàng bắt đầu thực hiện chiến lược đổi mới ACB giai đoạn 2019 - 2024 với tầm nhìn trở thành ngân hàng có khả năng sinh lời cao và chiến lược nhất quán ở ba mảng kinh doanh: mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai mảng ưu tiên chính, và mảng khách hàng doanh nghiệp lớn là ưu tiên có chọn lọc.

Ngân hàng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận đều đặn trong các năm tiếp đó. Sau 10 năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã tăng gấp 17 lần, đạt con số kỷ lục 17.114 tỷ đồng vào năm 2022.

 

Về hiệu suất sinh lời, trong giai đoạn 2012-1016, ROE của ngân hàng luôn ở mức dưới 10%, tăng vọt vào năm 2017 (14%) và đạt đỉnh vào năm 2018 (27,7%). Từ đó đến nay, ACB luôn duy trì ROE trên 20%. 

Đặc biệt, trong quý I/2023, trong khi ROE của phần lớn ngân hàng ghi nhận sụt giảm thì ACB vượt qua các ngân hàng khác để vươn lên dẫn đầu.

 

Bất chấp nhiều khó khăn, quy mô tài sản của ACB vẫn tăng trưởng ổn định qua thời gian. Tổng tài sản của ngân hàng tăng gấp 3,4 lần sau 10 năm từ hơn 176.300 tỷ đồng vào năm 2012 lên hơn 607.800 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của ngân hàng tăng 0,6% so cuối 2022, đạt 611.224 tỷ đồng.

 Nguồn: PV tổng hợp từ BCTC ACB qua các năm. (Đvt: tỷ đồng)

Năm 2023, ACB mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái.

Tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay ước đạt lần lượt 495.411 tỷ đồng và 453.836 tỷ đồng, tăng 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp bổ sung. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. 

Kết thúc quý I/2023, ACB công bố kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, đạt 5.156 tỷ đồng, dù tín dụng giảm 0,6%. Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Trần Hùng Huy khẳng định ACB tự tin có thể hoàn thành kế hoạch năm nay đề ra mặc dù nền kinh tế được dự báo tiếp tục khó khăn.

"Năm 2023 có nhiều thử thách và khó khăn hơn 2022. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung và ACB nói riêng sẽ có ảnh hưởng nhưng ban lãnh đạo đã có nhiều phương án dự trù dựa theo tình hình thị trường", ông Hùng Huy cho hay.

Khẩu vị rủi ro cao tạo nên lợi thế trong khủng hoảng

ACB cũng được biết đến là một trong những ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao, đó cũng là nguyên nhân giúp ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục ở trên mức 155%. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ 0,74% và thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng.

 Nguồn: PV tổng hợp từ BCTC ngân hàng ACB.

Ngân hàng không phát triển mạnh các mảng cho vay có nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. 

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết mức độ phơi nhiễm với lĩnh vực liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 24% tổng dư nợ tính đến ngày 31/12/2022, trong đó cho vay cá nhân mua nhà và cho vay nhà phát triển bất động sản lần lượt là 81.000 tỷ đồng và 18.000 tỷ đồng.Dư nợ cho vay các nhà phát triển dự án chiếm chưa đến 1% danh mục cho vay của ACB. 

Đáng chú ý, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Danh mục đầu tư trái phiếu của ACB chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác.

Chia sẻ về việc lựa chọn "tránh" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát cho biết: "Chúng tôi đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam mới phát triển, rất tiềm năng nhưng thị trường còn rủi ro và cần thêm thời gian để hoàn thiện pháp lý. Vì thế, ngoài việc không tham gia đầu tư, chúng tôi cũng không tham gia môi giới hay giới thiệu".

Lựa chọn an toàn này của ACB đã trở thành lợi thế khi thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp chịu nhiều biến động và gần như đóng băng vào nửa cuối năm 2022.

Năm 2022 trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, tỷ lệ LDR của ACB đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%. Tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ đạt 12,2% và 12,8%, vượt yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN.

Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng ACB tiếp tục giữ được đà tăng trưởng trong năm 2023.

Các chuyên gia phân tích dự báo ACB sẽ đạt mức lợi nhuận trước thuế là 15.232 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước. Những động lực giúp ngân hàng duy trì được đà tăng trưởng này là do chất lượng tài sản, không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, tỷ trọng cho vay các công ty phát triển BĐS ở mức thấp và mức lợi suất sinh lời cao và ổn định.

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo ngân hàng, ACB sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược thận trọng và không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Phương Nga